Nâng cao năng lực y tế trường học
(LSO) – Công tác đảm bảo sức khỏe học sinh, sinh viên (HSSV) phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, trong đó, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp học và các công trình phụ trợ cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trường học (YTTH) có ý nghĩa quyết định…
Vươn lên trong khó khăn
Trong những năm qua, khắc phục nhiều khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo Lạng Sơn có những cách làm sáng tạo tập trung các nguồn vốn, kể cả nguồn xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa trường lớp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến nay, trong 697 đơn vị trường học từ mầm non đến giáo dục thường xuyên đã có 207 trường đạt chuẩn Quốc gia. Toàn ngành có 5.559 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 69,4% và 1.875 phòng bán kiên cố (tỷ lệ 23,4%). Các phòng học đã đảm bảo về diện tích, không khí, ánh sáng, hạn chế tiếng ồn…theo tiêu chuẩn của nhà nước. Các công trình phụ trợ như: phòng y tế, nhà bếp, nhà ăn, văn phòng, nhà vệ sinh… được xây dựng với tốc độ khá nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập sinh hoạt của giáo viên và học sinh, nhất là các trường nội trú và bán trú. Tổng số phòng y tế của toàn ngành là 630 phòng, trong đó có 374 phòng riêng, 256 phòng ghép. Số bếp ăn trong các cơ sở giáo dục là 651, trong đó có 392 bếp đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều. Cơ sở vật chất phục vụ các bếp ăn tập thể ngày càng được nâng cấp, cải tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Toàn ngành có 2.549 công trình vệ sinh, trong đó có 1.536 công trình kiên cố, 688 công trình bán kiên cố và còn 344 công trình tạm. Nhu cầu cần đầu tư là 542 công trình.
Cô giáo Trường Mầm non tư thục Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách
Song song với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, công tác y tế trong trường học, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Các nhà trường thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho HSSV, phòng chống kịp thời dịch bệnh, tai nạn, thương tích. Tất cả các trường đều có cán bộ phụ trách công tác YTTH, toàn ngành hiện có 575 cán bộ YTTH (thuộc biên chế nhà nước là 531 người, hợp đồng là 44). Tính riêng cán bộ y tế trong biên chế nhà nước số lượng đạt chuẩn theo quy định là 417 người chiếm 78,53%. Đội ngũ nhân viên nấu ăn có số lượng ổn định, chất lượng không ngừng được nâng cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành y tế đã chủ động lập kế hoạch và tiến hành mở 6 lớp tập huấn nâng cao kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho 590 nhân viên nấu ăn các nhà trường, nâng tổng số nhân viên nấu ăn qua bồi dưỡng lên 1.435 người, đạt tỷ lệ 91,2%.
Cùng với đó, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng nhà ăn, bếp ăn cho các trường bán trú vùng cao, ngành giáo dục và đào tạo đang chỉ đạo gấp rút tiến độ xây dựng, sửa chữa 303 nhà vệ sinh tại 303 điểm trường với tổng dự toán kinh phí gần 41,5 tỷ đồng. Những công trình này sẽ được đưa vào sử dụng trước khai giảng năm học mới 2019-2020.
Còn đó những khó khăn
Mặc dù tỷ lệ phòng học kiên cố đã khá cao, đảm bảo diện tích, ánh sáng theo chuẩn, các công trình phụ trợ không ngừng được tăng cường, tuy nhiên, do sĩ số học sinh/ lớp rất đông, nhất là khu vực thành phố, thị trấn nên cơ sở hạ tầng của các nhà trường thường bị quá tải. Hệ quả là công trình vừa xuống cấp nhanh, học sinh đứng trước những nguy cơ mắc bệnh tật học đường, nhất là các bệnh về mắt, cột sống. Nhiều cơ sở giáo dục chưa có phòng y tế hoặc phải dùng chung, ghép, gây khó khăn cho các hoạt động chuyên môn y tế.
Số cán bộ YTTH vừa thiếu, vừa yếu, trong 575 cán bộ YTTH vẫn còn 114 người chưa đạt chuẩn; trong tổng số 1.573 nhân viên nấu ăn vẫn còn 183 người chưa qua lớp bồi dưỡng.
Thực trạng về cơ sở hạ tầng và đội ngũ khiến việc bảo vệ sức khỏe học sinh gặp khó khăn, nhất là công tác truyền thông sức khỏe học đường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng ngộ độc thực phẩm có đông học sinh mắc vẫn xảy ra như trường hợp tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Văn Lãng có tới 48 học sinh phải nhập viện do thức ăn nhiễm khuẩn E.coli năm học (2018-2019).
Bước vào năm học mới 2019-2020, được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất và nhân lực, công tác YTTH chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, việc phối hợp giữa hai ngành y tế và giáo dục cần chặt chẽ hơn, nhất là công tác phối hợp tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và bệnh tật học đường. Được như vậy, năng lực YTTH sẽ được nâng lên và YTTH sẽ làm tròn nhiệm vụ “tuyến đầu” trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh.
Ý kiến ()