Nâng cao năng lực y tế cho ngành phục hồi chức năng tại Việt Nam
Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, nhiều gánh nặng bệnh tật sau đại dịch Covid-19. Trong khi nhân lực ngành phục hồi chức năng còn yếu và thiếu, Việt Nam rất cần được quan tâm, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phục hồi chức năng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế phát biểu tại hội thảo. |
Ngày 23/12, Tổ chức kỹ thuật y tế quốc tế Nhật Bản, Hội Vật lý trị liệu Nhật Bản và Hội phục hồi chức năng Việt Nam, Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về phục hồi chức năng “Vật lý trị liệu kiểu Nhật góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”. Hội thảo có sự tham gia, phát biểu của ngài Watanabe Shige – Phó Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.
Đây là một trong những hoạt động khoa học, ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, Nhật Bản là quốc gia đã đào tạo và triển khai các chuyên ngành chuyên sâu về phục hồi chức năng rất lâu. Vật lý trị liệu hiệu quả giúp người dân Nhật bản được hưởng lợi từ dịch vụ phục hồi chức năng và có sức khỏe tốt, có tuổi thọ cao, tăng cường sống độc lập đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Đối với Việt Nam, lĩnh vực phục hồi chức năng đã được phát triển trên 30 năm, là ngành còn non trẻ so với Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Từ những ngày đầu phát triển, dịch vụ phục hồi chức năng chủ yếu là kỹ thuật vật lý trị liệu.
Các đại biểu Nhật Bản và Việt Nam tham dự hội thảo. |
Đến nay, Việt Nam có nhu cầu phục hồi chức năng cao do số người cao tuổi gia tăng, chiếm 11,9% dân số; người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm 7,06% dân số; khoảng 4,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; mô hình bệnh tật thay đổi gia tăng số người cần phục hồi chức năng: tai nạn thương tích, tim mạch, đột quỵ, bệnh không lây nhiễm, tâm thần, Covid-19…
Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như chưa có mã ngành đào tạo riêng về vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, chân tay giả và dụng cụ trợ giúp, công nghệ trợ giúp. Nhân lực phục hồi chức năng còn thiếu ở hầu hết các tuyến với khoảng 0,25 nhân lực phục hồi chức năng/10.000 dân, thấp hơn so với định mức theo khuyến cáo của WHO (0,5-1/10.000 dân).
Hầu hết là các trang thiết bị cơ bản, đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu; tuyến y tế cơ sở và hệ thống Bảo trợ xã hội, nhiều cơ sở chật hẹp, cũ, không tiếp cận người khuyết tật.
Thứ trưởng hy vọng, với các tiềm năng và lợi thế của hai Quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, hai quốc gia sẽ có thời kỳ phát triển vượt bậc trong mối quan hệ hợp tác phát triển ở lĩnh vực phục hồi chức năng, vật lý trị liệu với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng, cùng mang lại lợi ích cho nhau trong lĩnh vực này.
Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, ước tính cả nước sẽ có trên 30 triệu người cần được phục hồi chức năng, nhu cầu về phục hồi chức năng ở Việt Nam là rất lớn và ngày càng gia tăng.
Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu với các chuyên gia phục hồi chức năng, chuyên gia Vật lý trị liệu Việt Nam và các quý vị về mô hình và những ưu thế của vật lý trị liệu kiểu Nhật Bản. Mục đích là giúp bệnh nhân sớm phục hồi sinh hoạt xã hội.
Ông Watanabe Shige – Phó Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản phát biểu. |
Hai bên cùng nhau ký Biên bản hợp tác phát triển Vật lý trị liệu kiểu Nhật ở Việt Nam thông qua các dự án như: Xây dựng kế hoạch và thực hiện các dự án hợp tác về công nghệ y học, tổ chức các hội thảo, trao đổi đoàn nghiên cứu viên và chuyên gia của các bên về lĩnh vực vật lý trị liệu trong phục hồi chức năng; trao đổi, chia sẻ thông tin về phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; các dự án khác phù hợp với mục tiêu hợp tác và được sự đồng thuận giữa các bên.
Theo ông Watanabe Shige – Phó Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, sau buổi hội thảo hôm nay, Tổ chức Kỹ thuật Y tế Nhật Bản cũng đang tiến hành dự án phổ cập trong nước Việt Nam liệu pháp Judo của Nhật Bản, trong đó tận dụng Chương trình Hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở của JICA, và đang hoạt động tích cực với vai trò là cầu nối hợp tác y tế giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-nang-luc-y-te-cho-nganh-phuc-hoi-chuc-nang-tai-viet-nam-post788938.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()