Nâng cao năng lực và hiệu quả của kinh tế tập thể
Trong thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn là động lực chính thúc đẩy sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc tăng cường công tác định hướng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của KTTT, HTX nông nghiệp là việc làm cần thiết của các địa phương.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ (Hà Tĩnh) mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, có khoảng 60% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Để tăng thêm số HTX “ăn nên làm ra”, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thì bản thân các HTX nông nghiệp cũng cần phải tự nâng cao chất lượng hoạt động bằng cách tăng cường năng lực quản lý, áp dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số…
Nâng cao về “chất” và “lượng”
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đặng Kim Sơn, để KTTT trở thành đòn bẩy của kinh tế nông thôn, một trong những đột phá quan trọng cần thiết nhất là đổi mới tư duy để nhìn nhận vai trò thật sự quan trọng của KTTT. Hiện năng lực của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh… cho nên việc liên kết, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao còn chưa được chú trọng, nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Do đó, cần phải có những đột phá một cách toàn diện nhằm tăng nguồn nội lực cho KTTT.
Ghi nhận tại HTX Nga Hải, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ngay từ năm 2018, HTX mạnh dạn đầu tư 2.000 USD/tháng để thuê chuyên gia nông nghiệp người Israel về trực tiếp “cầm tay chỉ việc” trồng dưa lưới trong nhà màng trong ba tháng liên tục cho xã viên. Với quy mô bốn nhà màng, mỗi năm đơn vị trồng ba lứa dưa, sản lượng từ 12-15 tấn/lứa, lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Theo Giám đốc HTX Nga Hải, Lê Văn Bình, chế độ dinh dưỡng cung cấp cho dưa lưới đều được tự động hóa. Công nhân thao tác trên thiết bị, cứ đến giờ là máy sẽ tự động chăm sóc dưa. Ngoài ra, việc kiểm tra độ ngọt của dưa đều có máy móc đảm nhận, nhờ vậy dưa lưới Nga Hải luôn đạt yêu cầu cao về chất lượng.
Chủ động đầu tư khoa học-kỹ thuật và đầu tư về con người cũng là chìa khóa để HTX Nông nghiệp bưởi da xanh tỉnh Bến Tre phát triển. Năm 2022, HTX đưa vào hoạt động khu phức hợp đa chức năng trị giá hơn 13 tỷ đồng, trên tổng diện tích 37ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và 14,7ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nguồn kinh phí này do Tổ chức SOCODEVI của Chính phủ Canada tài trợ thông qua Dự án phát triển HTX Việt Nam. Giám đốc HTX Nguyễn Quốc Bảo, cho biết: Hiện HTX cung ứng dịch vụ đầu vào là phân bón, giống và đầu ra là mua bưởi của thành viên với số lượng từ 30 đến 35 tấn/tháng để tiêu thụ tại các siêu thị, chế biến nước ép… Hiện HTX đang xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với bưởi da xanh để chuẩn bị xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Những thành công của HTX nông nghiệp Nga Hải của tỉnh Hà Tĩnh hay HTX nông nghiệp bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre đã thu hút được nhiều người dân tham gia vào HTX, bởi họ thấy được tiềm năng và cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp của mình.
Đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn
Để hỗ trợ KTTT, HTX nông nghiệp phát triển bền vững, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới có nhiều đột phá về chính sách đất đai, tài chính, nguồn vốn tín dụng, con người và khoa học-kỹ thuật, phát triển thị trường…, các địa phương cũng có những cơ chế, chính sách riêng để kích thích KTTT, HTX nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý và thành viên HTX thông qua đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề.
Không chỉ tăng nguồn lực về kinh tế hỗ trợ KTTT, các địa phương còn chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo hàng đầu như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên… nhằm trang bị kiến thức quản trị HTX cho đội ngũ quản lý xã viên. Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan, mỗi chương trình đào tạo của học viện đều có chuẩn đầu ra cụ thể, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm nhất định tại các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Tư duy kinh tế nông nghiệp trong đào tạo được thể hiện thông qua từng nội dung bài giảng, môn học, ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, còn cung cấp kỹ năng quản lý và sử dụng tài nguyên hiệu quả, theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên Nguyễn Chí Hiểu cho biết, nhà trường luôn đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với những nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới ngay từ năm học đầu tiên. Đồng thời, nhà trường cũng luôn giữ mối liên hệ hợp tác với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nhằm lắng nghe ý kiến về xây dựng, phân bổ chương trình đào tạo, tổ chức cho sinh viên đi thực tế để học hỏi kinh nghiệm… Qua đó, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo theo quy định, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, thị trường lao động.
Hiểu được tầm quan trọng của kiến thức, Giám đốc và các thành viên HTX Chè sạch Quang Minh ở xã Phú Cường, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ kỹ thuật, coi trọng ứng dụng khoa học-kỹ thuật để xây dựng vùng sản xuất chè tập trung 5ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2021, HTX Chè sạch Quang Minh có doanh thu hơn 7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu-8 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc Liên hiệp HTX nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Chí Công cho biết, khi được tham gia các lớp học quản trị HTX, ông và các học viên đã áp dụng kiến thức nhằm liên kết với nhau, biết cách tiếp cận khách hàng ngoài phạm vi của huyện, tỉnh. Chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên) chia sẻ, sau khi tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, sản xuất, kinh doanh tại Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên, hiện HTX sản xuất đã theo quy chuẩn an toàn và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Linh hoạt trong sản xuất kết hợp với chú trọng phát triển nguồn lực con người thông qua đào tạo “đặt hàng” với các cơ sở đào tạo đã phát huy được sức mạnh nội tại của KTTT, HTX nông nghiệp. Nhờ đó, năng lực quản trị lĩnh vực KTTT, HTX đã đạt những bước tiến nhất định.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện lĩnh vực KTTT có 70 nghìn cán bộ quản lý, trong đó 16% trình độ đại học, cao đẳng, 30% trình độ sơ cấp, trung cấp, còn lại hơn 50% chưa qua đào tạo. Do đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% số giám đốc HTX được đào tạo trình độ sơ cấp.
Ý kiến ()