Nâng cao năng lực tự học
Học sinh thích thú tìm hiểu các dự án thi tại cuộc thi |
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Lạng Sơn, năm 2014, tổng số đề tài, sáng kiến của khối học sinh trung học là 496 đề tài. Đặc biệt, vào cuối tháng 1/2015, Sở GD&ĐT tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Cuộc thi đã thu hút 30 đoàn tham gia gồm 11 đoàn các Phòng GD&ĐT và 19 đoàn các trường THPT. Các dự án dự thi gồm 13 nhóm, lĩnh vực như khoa học xã hội và hành vi, khoa học động vật, thực vật, kỹ thuật vật liệu và công nghệ, môi trường, vật liệu… Qua trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT, được biết, để tiến tới cuộc thi cấp tỉnh, trong học kỳ I vừa qua, các nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu và nghiệm thu. Tất cả các huyện, thành phố đã tổ chức hội thi gồm 146 trường tham gia với 206 dự án của 327 học sinh, lựa chọn được 48 dự án dự thi cấp tỉnh. Có 23 trường THPT tổ chức thi với 284 dự án của 512 học sinh tham gia, lựa chọn được 53 dự án dự thi cấp tỉnh. Tại cuộc thi này, Ban Tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 10 giải Nhì, 13 giải Ba và 56 giải Khuyến khích cho các dự án, lựa chọn được 6 dự án tham gia cuộc thi toàn quốc. Và như đã nêu ở trên, trong cuộc thi toàn quốc, Lạng Sơn đã có dự án đạt giải ba, các dự án khác mặc dù không được giải nhưng đều được đánh giá cao, cụ thể là dự án “Sử dụng ánh sáng bắt côn trùng” của các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc Bán trú xã Kiên Mộc (Đình Lập).
Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: qua các cuộc thi do ngành phát động, không chỉ các giáo viên, sinh viên các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…, mà các em học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở cũng rất nhiệt tình tham gia. Như cuộc thi đầu năm 2015, đề tài, dự án các em tham dự rất đa dạng về lĩnh vực, phần lớn các dự án đều đề cập đến những vấn đề trong việc học tập và cuộc sống hàng ngày của các em. Với 13 nhóm, lĩnh vực dự thi đã cho thấy khả năng sáng tạo của các em học sinh lứa tuổi trung học là rất cao. Một số đề tài, dự án nghiên cứu với ý tưởng khoa học và thực tiễn cao cho thấy việc nghiên cứu không viển vông mà bám sát vào thực tiễn cuộc sống. Thông qua các cuộc thi, các thầy, cô giáo luôn đồng hành cùng các em. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài, dự án đã giúp gắn kết chặt chẽ tình thầy và trò. Đồng thời, việc các em lập nhóm dự thi cũng góp phần nâng cao khả năng làm việc nhóm, điều đó sẽ giúp ích rất lớn cho các em sau này.
Thực tế, thời gian vừa qua, trong tiến trình đổi mới căn bản giáo dục phổ thông thì việc nghiên cứu khoa học đóng vai trò qua trọng. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành giáo dục Lạng Sơn đã phối hợp với Sở KH&CN tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật cho lứa tuổi các em, hay phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Hội thi tin học trẻ… Đây chính là những sân chơi bổ ích giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành. Đồng thời từng bước tiếp cận và làm quen với phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học để tạo đà cho các bậc học tiếp theo. Chính việc tham gia các cuộc thi cũng tạo sự tự tin cho các em, tạo sự hứng khởi để các em tìm tòi và sáng tạo. Việc tham gia cuộc thi còn rèn luyện cho các em học sinh cách làm việc tự lực, làm việc nhóm, tính tích cực, chủ động, hứng thú trong học tập và sinh hoạt. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh ở một số môn học có liên quan.
Trên thực tế, số lượng và chất lượng các đề tài tham dự các cuộc thi trong học sinh cấp trung học do ngành giáo dục phát động ngày càng được nâng lên. Nhìn chung, việc tổ chức cuộc thi đã tạo một sân chơi khoa học lý thú, hấp dẫn, đồng thời có tác động tích cực đến phong trào nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức trong sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, làm quen sớm với nghiên cứu khoa học. Vui mừng khi biết dự án của mình đạt giải cao trong cuộc thi toàn quốc, em Nguyễn Sơn Anh và Nông Nguyễn Linh (trường THPT Chu Văn An) tâm sự rằng: cuộc thi vừa qua đã giúp các em nhiều trong học tập. Qua việc nghiên cứu dự án đã giúp các em định hướng được nghề nghiệp của chính mình. Đặc biệt, sau khi đạt giải, các em đã được đặc cách tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại thương.
Mặc dù đạt được một số hiệu quả như phát huy khả năng khám phá, tư duy độc lập, sáng tạo và nâng cao khả năng tự học… thì việc nghiên cứu khoa học trong lứa tuổi học sinh trung học vẫn còn một số hạn chế. Hạn chế lớn nhất mà các em thường gặp chính là chưa xác định được ý tưởng và đề tài, thời gian nghiên cứu khoa học của học sinh trung học cũng không có nhiều nên chất lượng đề tài, dự án chưa cao, chưa đáp ứng với những vấn đề xã hội quan tâm. Chính vì vậy, theo kế hoạch, thời gian tới, ngành giáo dục Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong ngành, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các em học sinh nghiên cứu khoa học.
Ý kiến ()