Nâng cao năng lực tổ chức Đảng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo đề nghị của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư vừa có văn bản giao Ban Nội chính T.Ư chủ trì cùng năm cơ quan T.Ư tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC).
– Theo đề nghị của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư vừa có văn bản giao Ban Nội chính T.Ư chủ trì cùng năm cơ quan T.Ư tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC).
Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng T,Ư, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn Đảng ủy trực thuộc T.Ư là các đơn vị tổ chức sơ kết. 5 năm qua, công tác giải quyết KN, TC đã góp phần tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để phát triển kinh tế, chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
KN, TC sai tăng mạnh.
Từ năm 2008 đến tháng 6-2013, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 1.987.633 lượt người đến KN, TC và tiếp nhận, xử lý 812.625 đơn thư. Số lượng công dân KN, TC ngày càng tăng cả về số đoàn đông người, số vụ việc. Sự gia tăng ở các khu vực không đồng đều: khu vực phía bắc tuy số vụ việc giảm nhưng số đoàn đông người tăng cao; khu vực Miền Trung – Tây Nguyên tăng 64,2% số vụ việc, 66,4% số đoàn đông người; khu vực phía Nam tăng 17,5% số vụ, 31,9% số đoàn đông người.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Trong các vụ việc KN đông người, phức tạp xảy ra, nhiều vụ việc được phát sinh từ những năm trước nhưng chưa được giải quyết dứt điểm và có trường hợp mặc dù đã được các cấp giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài.
Có những trường hợp công dân đi khiếu kiện có thái độ bức xúc và gay gắt, nhiều lần tập trung đông người, vượt cấp lên Trung ương, như các vụ việc KN về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án khu đô thị, thương mại, du lịch, khu công nghiệp, đường giao thông, công trình thủy lợi…
Đáng chú ý là có 60,7% trường hợp KN sai và 49,4% tố cáo sai; cá biệt có một số đối tượng xúi giục, kích động, lôi kéo những người đi KN liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một số địa phương về mục tiêu, ý nghĩa của việc giải quyết KN, TC chưa đầy đủ; Một số địa phương chưa chủ động, có trường hợp thiếu tích cực hoặc chờ đợi cơ quan cấp trên; Tiến độ giải quyết các vụ việc còn chậm. Hiệu quả đạt được chưa cao. Khi phát hiện sai sót trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa mạnh dạn điều chỉnh, sửa sai.
Những giải pháp ưu tiên giải quyết KN, TC.
Trong những năm qua, nội dung Thông báo Kết luận số 130-TB/T.Ư của Bộ Chính trị đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương triển khai và thực hiện nghiêm túc. Trong đó, Chỉ thị 14/Ct-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130 về rà soát các vụ việc KN, TC tồn đọng, kéo dài của ngành thanh tra đã thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về KN, TC và góp phần quan trọng vào giữ vững trật tự xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ an toàn lãnh thổ.
Giải pháp quan trọng hàng đầu mà Thông báo Kết luận số 130-TB/T.Ư của Bộ Chính trị chỉ ra là tăng cường và phát huy trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác giải quyết KN, TC. Cụ thể, đồng chí Bí thư cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Ban Thường vụ theo dõi, chỉ đạo công tác giải quyết KN, TC gắn với cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, coi hiệu quả giải quyết KN, TC là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan của nhà nước, trước hết là Chủ tịch UBND các cấp phải có kế hoạch giải quyết cụ thể, chỉ đạo, phân công các ngành chức năng tập trung rà soát phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người.
Việc sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW tới đây nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện chín nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Thông báo số 130-TB/T.Ư. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm hoàn thiện các qui định của pháp luật, qui định của Đảng, trong đó có các qui định về KN, TC để hạn chế phát sinh KN, TC mới; Hoàn thiện cơ chế giải quyết KN, TC; Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy, tổ chức Đảng; Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, sự giám sát của cơ quan, đại biểu dân cứ, của MTTQ và các tổ chức thành viên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết KN, TC.
Để làm được điều đó, cần tập trung vào một số giải pháp.
Một là, cần xác định công tác giải quyết KN,TC là một trong những công tác trọng tâm của Bộ, ngành và các địa phương. Người dân và cả hệ thống chính trị phải tham gia vào việc hoạch định những chính sách, chủ trương lớn; Tham gia vào xây dựng qui hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội cụ thể của từng địa phương, từng thời kỳ; Tham gia vào việc thực hiện, giám sát và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những chủ trương đó.
Thực tế hiện nay ở không ít địa phương cho thấy, khi nhân dân khiếu kiện, các tổ chức chính trị mới biết về sự việc… Do vậy, việc vận động tuyên truyền của chính quyền không phát huy được hiệu quả. Ở nhiều địa phương, chỉ khi KN, TC “nóng”, đông người, bức xúc mới huy động các cơ quan, ban ngành vào cuộc nhưng quan điểm giải quyết lại không thống nhất nên càng tạo thành điểm nóng.
Hai làtiếp công dân giải quyết KN, TC là thực hiện đối thoại với công dân. Điều này đã được luật hóa rất chi tiết vào Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC thời gian qua, chính quyền nhiều cấp, nhiều địa phương còn né tránh khâu đối thoại với công dân. Một tâm lý không kém phần phổ biến của cán bộ, cơ quan giải quyết KN, TC là, đối thoại đồng nghĩa với việc chính quyền sai.Điều đó hoàn toàn không đúng.
Đối thoại thẳng thắn, dân chủ, xây dựng, trái lại chỉ làm tăng thêm uy tín của cấp ủy Đảng, Chính quyền; tạo ra kênh thông tin để kiểm tra, kiểm soát cán bộ và khâu thực hiện chủ trương chính sách và trên thực tế đóng vai trò quan trọng trong phát huy dân chủ cơ sở. Qua đối thoại minh bạch, trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, người dân thêm hiểu chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cán bộ tự nâng cao năng lực dân vận và năng lực chuyên môn; dân chủ cơ sở được phát huy giúp Đảng và chính quyền gần dân hơn, hiểu dân hơn và giải quyết các vấn đề sát dân hơn.
Thực tế tiếp dân, giải quyết KN, TC thời gian vừa qua cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương coi trọng đối thoại với công dân thì nơi đó ít phát sinh KN, TC. Cấp ủy, chính quyền nơi đó cũng nhận được sự đồng thuận cao của người dân, không có KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài. Đối thoại thẳng thắn với công dân trong tiếp dân, giải quyết KN, TC cũng cho thấy sự rõ ràng, minh bạch về thông tin, sự nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, đây cũng chính là quá trình tuyên truyền pháp luật đến người dân, để người dân hiểu pháp luật và thực hiện.
Một lý do khác để coi đối thoại là khâu then chốt trong tiếp dân, giải quyết KN, TC, đó là trong đối thoại và thông qua đối thoại, người dân thấy mình được tôn trọng, được tham gia vào quá trình xây dựng đất nước. Đó thực sự là diễn đàn để người dân thể hiện quyền làm chủ đúng như quan điểm của Đảng ta khi xây dựng nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều có sự tham gia của người dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Ba là,chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước thông qua thanh tra trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp không thực hiện việc giải quyết KN,TC của công dân hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.
Bốn là, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN,TC để nâng cao hiểu biết pháp luật về KN,TC của cán bộ, nhân dân (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn). Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các vụ việc KN,TC cụ thể, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực; phê phán những hành vi vi phạm pháp luật và những biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực KN,TC.
Năm là, phát huy vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác hòa giải, tham gia làm người đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của người dân để cùng kiến nghị, xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc lợi ích chính đáng của công dân; tăng cường việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong công tác giải quyết KN,TC.
Sáu là, xây dựng Đề án nghiên cứu những vấn đề KN đông người nổi cộm qua các thời kỳ do cơ chế chính sách bất hợp lý. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế việc KN đông người do cơ chế chính sách gây nên.
Thực hiện đối thoại với công dân đến KN, TC đông người.
Chính quyền địa phương nơi đầu tiên chịu trách nhiệm giải quyết KN, TC của công dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()