Nâng cao năng lực sử dụng nguồn lực từ đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Ngày 2/3, Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai) phối hợp với Tổ chức ActionAid Việt Nam và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Xây dựng Kế hoạch đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai giai đoạn 2025-2030".
Các tham luận tại hội thảo đã cùng nhau đóng góp ý kiến cũng như tham vấn vào kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai giai đoạn 2025-2030 trong đó nhấn mạnh đến phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng đối với từng loại hình thiên tai – nơi người dân sinh sống.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, mỗi tổ chức đều có những ưu tiên riêng, cũng như các đối tác tại địa phương, địa bàn hoạt động cũng có những đặc thù khác nhau. Là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai mong muốn kết nối các tổ chức, tạo ra cơ chế, diễn đàn để các bên cùng phối hợp hiệu quả và đặc biệt là tận dụng hiệu quả nguồn lực, tránh sự chồng chéo trong phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho rằng, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, với mức độ rủi ro thiên tai khác nhau, gia tăng mức độ tổn thương đối với cộng đồng trước, trong và sau thiên tai. điều này đặt ra yêu cầu đối với chính quyền các cấp và người dân trong thay đổi chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai
"Cần chủ động lập kế hoạch và sẵn sàng hành động sớm, ứng phó khẩn cấp với thiên tai; tăng cường thông tin sớm về rủi ro thiên tai và nâng cao năng lực người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, thanh niên trong chủ động phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai", ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid tại Việt Nam, thành viên thứ 27 vừa được kết nạp vào Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai chia sẻ: "Ứng phó với thiên tai muốn hiệu quả rất cần sự chủ động của địa phương trong việc tham gia xây dựng kế hoạch. Nếu khi đưa nguồn lực hoặc đầu tư về địa phương mà không phải là ưu tiên mà địa phương cần thì rất khó thực hiện. Phòng chống thiên tai là việc làm thường xuyên liên tục, với mỗi loại hình thiên tai xảy ra sẽ khác nhau. không chỉ xây dựng kế hoạch mà còn phải rút kinh nghiệm và áp dụng các bài học tốt để nâng cao hiệu quả ứng phó. Việt Nam rất giỏi về việc triển khai phương châm '4 tại chỗ' nhưng cũng cần có cơ chế về việc điều phối các nguồn lực một các hiệu quả hơn, điều này cần nỗ lực lớn của tất cả các bên".
Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, kế hoạch công tác 5 năm tiếp theo giai đoạn 2025-2030 của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ thể hiện rõ các tầm nhìn chung, được xây dựng phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về phòng chống thiên tai cũng như phù hợp với các mục tiêu chiến lược của các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, qua đó nhấn mạnh việc tham gia tích cực của các thành viên Đối tác giúp định hình lại những ưu tiên chung của kế hoạch.
Bà Pauline Tamesis nhấn mạnh: "Kế hoạch 5 năm tới với mục đích tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam thông qua việc nhấn mạnh vào các lĩnh vực chính như: chính sách đồng bộ, lập kế hoạch phát triển có tính đến yếu tố rủi ro và nâng cao nhận thức của cộng đồng và các lĩnh vực khác. Những hiểu biết sâu sắc của các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình các ưu tiên và định hướng con đường chung của Đối tác. Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai như cốt lõi của quá trình phát triển của Việt Nam, giảm thiểu rủi ro thiên tai là điều rất cần thiết".
Ý kiến ()