Nâng cao năng lực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với 30 dạng thuốc, công suất hơn 300 nghìn tấn/năm. Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam còn khá non trẻ và phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong 96 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, cả nước chỉ có một cơ sở có sản xuất hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các cơ sở còn lại chủ yếu gia công. Điều này cho thấy ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong nước còn nhiều hạn chế.
Khó khăn, thách thức còn nhiều
Công ty TNHH Bayer Việt Nam là một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có nhà máy được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Giám đốc hoạt động sản xuất Nguyễn Bá Hựu cho biết, để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật an toàn, bảo đảm chất lượng, việc trang bị máy móc rất quan trọng. Tất cả thiết bị khi đầu tư, lắp đặt phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn từ thiết kế tới vận hành, đồng thời, phải được hiệu chuẩn, kiểm định trước khi sử dụng cũng như tuân thủ việc kiểm tra định kỳ.
Hiện nay, tất cả thiết bị của nhà máy Bayer Việt Nam đều được nhập khẩu từ Đức và được tiêu chuẩn hóa, bảo đảm tính an toàn trong sản xuất. Trong đó, đối với hệ thống điều khiển, Bayer luôn ưu tiên giải pháp tự động, giảm thiểu sai sót của con người.
Hệ thống này còn có chức năng bảo vệ, ngăn ngừa rủi ro sai sót, mất an toàn tiềm ẩn; quản lý trực quan, cảnh báo thiết bị, các chỉ số an toàn… Trước khi dây chuyền sản xuất hoạt động, công ty sẽ có đánh giá rủi ro, nhận dạng mối nguy cũng như có các biện pháp kiểm soát.
Trong quá trình sản xuất, phía công ty tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn, quy định vận hành của thiết bị. Tất cả nhân viên đều được đào tạo an toàn định kỳ, được trang bị kiến thức về quy trình vận hành trước khi sử dụng bất kỳ một hệ thống, thiết bị sản xuất…
Nhìn tổng thể, công tác gia công thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Nhiều nhà máy thiếu trang thiết bị hiện đại, đồng bộ trong gia công. Số doanh nghiệp có tiềm lực về trang thiết bị gia công tiên tiến ở quy mô công nghiệp còn ít.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, dây chuyền, thiết bị sản xuất của nhiều công ty còn thủ công, bán tự động, chưa có nhiều nhà máy có dây chuyền tự động hóa hoàn toàn.
Quy mô, công suất hầu hết ở mức thấp; cơ sở sản xuất phân bố không đồng đều làm gia tăng chi phí vận chuyển; tỷ trọng sản xuất các dạng thuốc, dung môi yêu cầu kỹ thuật đơn giản; chưa có cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học chuyên hóa và quy mô lớn.
Việc kết nối, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ sản xuất còn hạn chế. Tình trạng các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu hoạt chất, phụ gia còn phổ biến.
Bình quân mỗi năm, lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu về Việt Nam khoảng 100.000 tấn gồm cả thuốc kỹ thuật và dạng thuốc thành phẩm. Trong đó, lượng thuốc tiêu dùng trong nước chiếm 50%; lượng bảo quản và lưu thông trên thị trường khoảng 10%; lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu chiếm 40%.
Nhìn vào con số trên có thể thấy, hằng năm, nước ta phải nhập một lượng lớn thuốc thành phẩm để gia công sử dụng trong nước.
Chủ tịch Hội các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc phát triển công nghệ gia công thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta có vai trò rất quan trọng, cho phép chúng ta chủ động nguồn cung.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, công tác gia công thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Nhiều nhà máy thiếu trang thiết bị hiện đại, đồng bộ trong gia công. Số doanh nghiệp có tiềm lực về trang thiết bị gia công tiên tiến ở quy mô công nghiệp còn ít.
Một số quy trình gia công thuốc thành phẩm chưa được cải tiến khiến chất lượng thành phẩm của các cơ sở không đồng đều, chưa thật sự bảo đảm. Cán bộ kỹ thuật các nhà máy chủ yếu được đào tạo về lĩnh vực hóa chất, thiếu đào tạo chuyên sâu về gia công thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh phải nhập khẩu hoạt chất, nước ta còn thiếu các xí nghiệp sản xuất các chất trung gian, phải nhập khẩu hầu hết các loại phụ gia, thiếu các loại phụ gia thân thiện với môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng chưa chủ động nguồn cung ứng vật tư.
Tự chủ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm
Phần lớn các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam hiện nay phải nhập hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, dẫn đến sự lệ thuộc, thiếu chủ động.
Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam Đặng Văn Bảo cho biết, để đưa một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật ra thị trường cần trung bình 301 triệu USD và mất 12,3 năm.
Muốn thiết lập việc tự cung, tự cấp hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai, cùng với việc đưa ra quy trình nghiêm ngặt, vấn đề cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất có vai trò rất quan trọng, do vậy, ngành thuốc bảo vệ thực vật phải có sự đầu tư bài bản, có chiến lược dài hạn.
Muốn thiết lập việc tự cung, tự cấp hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai, cùng với việc đưa ra quy trình nghiêm ngặt, vấn đề cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất có vai trò rất quan trọng, do vậy, ngành thuốc bảo vệ thực vật phải có sự đầu tư bài bản, có chiến lược dài hạn.
Đối với vấn đề gia công thuốc bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trước hết, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và gia công thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta hiện nay, từ đó, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với các loại gia công như thiết bị gia công, thiết bị đánh giá chất lượng thành phẩm sau gia công; tập trung phát triển các dạng sản phẩm mới có nhiều ưu điểm, chọn phụ gia, nhất là các phụ gia thân thiện môi trường; cải tiến kỹ thuật và công nghệ, cải tiến quy trình.
Đồng thời, xây dựng các dự án nghiên cứu về thị trường và hiện trạng sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc sinh học để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách cũng như đầu tư sản xuất, kinh doanh trong nước.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu đầu tư, tổ chức nghiên cứu công nghệ gia công các dạng thuốc bảo vệ thực vật hiện đại, an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện nghiên cứu công nghệ gia công thuốc bảo vệ thực vật.
Trong đó, nên dành kinh phí cử cán bộ đi đào tạo, hoặc hỗ trợ (trường hợp là nhân sự thuộc các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước) tại các cơ sở có uy tín, có kinh nghiệm, thương hiệu về lĩnh vực gia công thuốc bảo vệ thực vật trong và ngoài nước.
Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí cho một số doanh nghiệp có công nghệ gia công tiên tiến để tập trung sản xuất và gia công trên quy mô lớn nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truy xuất nhanh nguồn gốc thuốc, ứng dụng công nghệ sản xuất mới; nâng cao chất lượng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới mục tiêu an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường; tăng cường hợp tác công tư, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất.
Đồng thời, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thuốc bảo vệ thực vật như trao đổi kinh nghiệm, phương thức quản lý của các nước, các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để áp dụng tại Việt Nam.
Ý kiến ()