Nâng cao năng lực quản lý giáo dục ở các địa phương
Mỗi tỉnh thụ hưởng dự án đều có một ban quản lý dự án. Từ năm 2008, SREM đã có các hỗ trợ về kỹ thuật nhằm giúp các địa phương tránh được các sai sót trong quá trình thiết kế dự án, rà soát lại khung lô-gích và phát triển khung giám sát. Đồng thời xây dựng quy chế quản lý dự án, bao gồm những hướng dẫn quan trọng trong việc thực hiện cấp vốn; sử dụng bộ biểu mẫu báo cáo bằng hai thứ tiếng Việt – Anh. Tại tỉnh Bình Thuận, SREM đã tiến hành khảo sát mạng viễn thông, in-tơ-nét địa bàn năm phòng giáo dục và 35 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Các thành viên ban quản lý dự án của tỉnh điều tra, thống kê tình hình lưu ban, bỏ học của học sinh trong ba năm (từ 2006 đến 2008) thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Mặt khác, tìm hiểu và đánh giá nhu cầu, kỹ năng tin học của đội ngũ cán bộ quản lý ở các trường tham gia dự án. Từ năm 2009, SREM đã triển khai việc kết nối in-tơ-nét bằng đường truyền ADSL cho năm phòng giáo dục, đồng thời Ban quản lý dự án cũng tổ chức được bốn lớp đào tạo kỹ năng tin học cơ bản cho hơn 80 cán bộ quản lý của 35 trường học (mỗi lớp học trong một tháng). Ngoài ra còn mua sắm các thiết bị tin học phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho cơ quan sở giáo dục và đào tạo, 35 trường ở vùng đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, đã có 70 – 80% số trường tự nhập hồ sơ nhân sự vào Chương trình P.MIS và chuyển dữ liệu về phòng giáo dục; 100% trường thực hiện soạn thảo văn bản, làm báo cáo bằng máy vi tính; một số trường thử nghiệm giáo án điện tử, và sắp xếp thời khóa biểu trên máy vi-tính. Cũng bằng việc kết nối mạng in-tơ-nét cho các phòng giáo dục, đã tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thông tin giữa phòng với sở giáo dục và đào tạo và ngược lại. Từ đây công tác quản lý cấp sở và các phòng giáo dục đối với các trường được rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực và điều quan trọng hơn là có sự vụ gì đột xuất xảy ra ở các đơn vị thì sở và phòng sẽ có hướng chỉ đạo một cách kịp thời.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh đất rộng, người đông, trong đó có một số huyện miền núi vùng cao hưởng Chính sách 135 của Chính phủ. SREM, một mặt hỗ trợ đào tạo gần 140 lượt cán bộ, nhân viên thuộc khối văn phòng UBND tỉnh về sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, cách truyền, nhận, xử lý thông tin trên mạng; mặt khác tổ chức các lớp học, đào tạo kiến thức tin học cho hơn 270 cán bộ, giáo viên của các trường thuộc 11 huyện miền núi trong tỉnh. Tại Thanh Hóa, dự án SREM đã mở lớp đào tạo chương trình quản trị Lotus Domino 6.0 và phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc cho hơn 50 cán bộ, giáo viên đã có kiến thức về công nghệ thông tin. Sau khi được đào tạo, lực lượng này sẽ trở thành cán bộ cốt cán trong việc triển khai, hướng dẫn việc ứng dụng tin học tại các nhà trường, và chịu trách nhiệm quản trị, cài đặt tích hợp các thiết bị công nghệ thông tin cho các đơn vị giáo dục thuộc diện hưởng Chính sách 135 trong tỉnh. Với mục đích 'Nâng cao chất lượng quản lý giáo dục các trường mầm non và phổ thông của tỉnh Gia Lai', Dự án SREM sau khi tiến hành các điều tra, khảo sát cần thiết đã tổ chức một số lớp học tiếng dân tộc thiểu số và tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý từ trường mầm non đến trường THCS. Chỉ tính hai năm 2008 – 2009, Gia Lai đã mở các lớp học tiếng dân tộc Ba Na và tiếng JRai cho hơn 870 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường là người từ các nơi khác đến công tác; đồng thời mở lớp trang bị kiến thức tin học cơ bản cho 1.390 cán bộ, giáo viên ở các cấp trường. Dự án sẽ trang bị 110 bộ máy tính, máy in và modem cho các trường mầm non và tiểu học trong tỉnh, góp phần giúp các nhà trường giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, phục vụ công tác quản lý trong các trường học đạt hiệu quả hơn. Trong điều kiện nguồn ngân sách của dự án có hạn, tỉnh Gia Lai đã huy động thêm nguồn vốn tự có của các trường để hỗ trợ thêm cho số học viên có nhu cầu học tập. Nhờ đó, 100% cán bộ quản lý các trường mầm non đến THCS trong toàn tỉnh đã được tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và tin học của SREM. Đáng mừng là, không ít cán bộ, giáo viên, thông qua các lớp học này đã nâng cao khả năng giao tiếp và trao đổi với phụ huynh học sinh là người dân tộc thiểu số, từ đó việc duy trì sĩ số trong một số trường, và công tác vận động học sinh trong độ tuổi đến lớp gặp thuận lợi hơn trước…
Trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, SREM phối hợp các địa phương đã tiến hành việc kiểm tra, đánh giá giữa kỳ về tiến độ và hiệu quả khai thác dự án. Bên cạnh một số ít tỉnh thực hiện khá tốt (như Bình Thuận, Cao Bằng, Sóc Trăng) vẫn còn không ít tỉnh lúng túng trong việc mua sắm, đấu thầu. Bởi vậy dự án bước sang cuối năm thứ hai, nhưng tiến độ giải ngân còn chậm. Theo SREM, đến thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, chương trình cấp vốn trực tiếp tại 17 tỉnh mới đạt 43% ngân sách của năm thứ nhất (tương đương 24% ngân sách toàn chương trình). Ban quản lý dự án Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã và đang có những giải pháp điều chỉnh, uốn nắn nhằm giúp các địa phương thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ dự án vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, điều quan trọng trước hết vẫn là làm sao khai thác, sử dụng có hiệu quả các hợp phần của dự án đã được SREM đầu tư từ các đơn vị T.Ư đến các tỉnh trong diện thụ hưởng dự án; từng bước nâng cao chất lượng quản lý giáo dục ở các cấp.
Ý kiến ()