Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại
Ngày 14/5 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Một ngày sau, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cũng ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Tiếp đó, đến ngày 20/5, chúng ta lại nhận thông tin Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận đơn kiện và xem xét khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ từ Việt Nam và Hàn Quốc.
Liên tiếp các vụ việc chống bán phá giá đã xảy ra trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, là điều bình thường vì song song với cơ hội mở rộng xuất khẩu, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu sẽ nhiều hơn và tính chất phức tạp gia tăng. Riêng năm 2020, số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc; tăng 2,3 lần so với năm 2019.
Thời gian qua, trong hơn 200 vụ việc phòng vệ thương mại bị các nước khởi xướng điều tra, Việt Nam kháng kiện thành công 65 vụ việc (khoảng 43%), bảo đảm nhiều mặt hàng của Việt Nam như: Cá ba sa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng được chú trọng, nhất là đối với một số mặt hàng có ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người nông dân như mía đường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập mới. Đó là năng lực phòng vệ thương mại của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài còn bất cập; nguồn nhân lực cho phòng vệ thương mại chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng cũng như độ phức tạp của các vụ việc khởi kiện và kháng kiện.
Để tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác tốt hơn các FTA trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại một cách tổng thể, toàn diện là vấn đề cần được quan tâm. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho công tác phòng vệ thương mại; củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt trong xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và thực tiễn xử lý phòng vệ thương mại cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phía các doanh nghiệp phải coi phòng vệ thương mại như là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình, đồng thời trang bị kiến thức đầy đủ, sẵn sàng nguồn lực để đối phó các nguy cơ kiệnphòng vệ thương mại, cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá… Nếu thực hiện tốt các chiến lược và biện pháp cụ thể nêu trên, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng hội nhập của các doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
Ý kiến ()