Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên
Chương trình “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên” năm 2020 được tổ chức tại 9 tỉnh, thành phố nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hội viên, thanh niên nhất là thanh niên nông thôn.
Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi chương trình “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên” năm 2020 tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ.
Chương trình nhằm triển khai Quyết định số 844 ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2020.
Chuyên gia chia sẻ với thanh niên về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Chương trình diễn ra đến tháng 12/2020, với mong muốn phát huy được vai trò xung kích của thanh niên trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hội viên, thanh niên nhất là thanh niên nông thôn.
Trong khuôn khổ chương trình, Hội nghị “Vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương” được tổ chức để thanh niên khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quỹ đầu tư khởi nghiệp có thể trao đổi, chia sẻ về các giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương; tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo khả thi để tư vấn, huy động nguồn lực hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên.
Bên cạnh đó, cũng sẽ diễn ra các buổi đào tạo tập huấn về nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp và tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp cho các cá nhân quản lý, vận hành doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đại diện các quỹ đầu tư khởi nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các địa phương có thể tham gia thuyết trình kêu gọi đầu tư, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua chương trình.
Thanh niên giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của mình tại Hội nghị “Vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương” diễn ra tại Bình Định. |
Đánh giá về tiềm năng khởi nghiệp của thanh niên, TS Nguyễn Đức Tùng, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết: “tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra một thực trạng đáng lo là các thanh niên, doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực như đồ mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống, tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương. Có hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành hoặc các doanh nghiệp lớn, dẫn đến startup không đủ năng lực để duy trì mô hình kinh doanh”.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Tùng, việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp tại Việt Nam trong các năm qua giúp nhiều vườn ươm và quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, trong khi các startup địa phương vẫn đang loay hoay tìm kiếm và tiếp cận cố vấn (mentor), chuyên gia để tìm ra giải pháp đổi mới sáng tạo.
Để nhận được giúp đỡ, TS Nguyễn Đức Tùng gợi ý, các bạn thanh niên địa phương cần tìm đến những chuyên gia cố vấn phù hợp với lĩnh vực mà mình đang có ý tưởng khởi nghiệp, hiểu rõ sản phẩm địa phương, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những khó khăn từ ý tưởng đến xây dựng mô hình kinh doanh.
Ý kiến ()