tle=”Nâng cao năng lực khai thác than hầm lò”> Khai trường mỏ than Đèo Nai (Quảng Ninh). Ảnh: THÀNH CHUNG Trong lộ trình phát triển của ngành than, việc hiện đại hóa các mỏ than hầm lò là yếu tố quan trọng, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tại bể than Đông Bắc, mà vùng Quảng Ninh là trọng tâm, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang tập trung đầu tư, mở rộng các mỏ than hầm lò hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng các mỏ mới, hiện đại nhằm khai thác đủ lượng than, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế của đất nước.
Đào lò giếng đứng – Bước ngoặt của ngành than
Để đáp ứng yêu cầu phát triển từ nay đến năm 2020, ngoài việc mở rộng, nâng công suất khai thác xuống sâu các mỏ hiện có, ngành than còn đầu tư thăm dò, thiết kế xây dựng và khai thác các mỏ mới. Công ty cổ phần Than Hà Lầm là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, đầu tư xây dựng mỏ giếng đứng. Ngày 3-2-2009, công ty khởi công dự án, mở vỉa bằng ba giếng đứng ở độ sâu 300 m so mực nước biển (sâu nhất nước ta tính đến thời điểm này) với mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, công suất khai thác 2,4 triệu tấn/năm, thời gian khai thác khoảng 50 năm. Ngày 12-11-2009, đúng dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống công nhân mỏ – truyền thống ngành than, thợ mỏ Hà Lầm chính thức đặt chân xuống độ sâu 300 m, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển ngành than. Giám đốc Công ty Ngô Thế Phiệt cho biết: Hiện nay, công ty đang đào lò xây dựng cơ bản từ độ sâu 300 m về hai phía, tổng chiều dài hơn 1.100 m. Mỏ giếng đứng Hà Lầm có tầm chiến lược quan trọng trong sự phát triển bền vững của công ty, tạo việc làm ổn định cho 4.300 đến 4.500 công nhân, nếu không đến năm 2017, mỏ Hà Lầm ở độ sâu đến 50 m sẽ kết thúc.
Ngành than đang chủ trương chuyển hướng từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu. Các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh cũng có xu hướng chuyển sang khai thác hầm lò. Khi nguồn than lộ thiên ngày một cạn kiện, việc chuyển dịch này là điều tất yếu, vừa giúp tận thu nguồn tài nguyên, vừa bảo đảm môi trường sinh thái. Nhằm chủ động trong thi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mỏ mới cũng như phát huy cao nhất năng lực trong nước, ngành than đã thí điểm đầu tư xây dựng một số mỏ giếng đứng do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị, có liên danh hoặc thuê nhà thầu phụ nước ngoài.
Công ty cổ phần Than Núi Béo hiện đang khai thác lộ thiên với mức sản lượng cao nhất Vinacomin (gần sáu triệu tấn/năm) và phần khai thác này dự kiến sẽ chấm dứt sau năm 2015. Do vậy, việc xây dựng mới mỏ hầm lò Núi Béo được gấp rút đẩy nhanh tiến độ, kịp duy trì sản lượng của công ty trong những năm tới. Giám đốc Công ty Vũ Anh Tuấn chia sẻ: Ngày 3-2 vừa qua, công ty đã khởi công dự án đầu tư mỏ hầm lò công suất hai triệu tấn/năm, sâu 350 m, sẽ xây dựng cơ bản trong bốn năm và khai thác 30 năm, công nghệ tương đương các mỏ hiện đại của châu Âu. Đây là dự án giếng đứng đầu tiên do các đơn vị trong nước tự tổ chức, thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, do Viện Khoa học công nghệ mỏ trực thuộc Vinacomin thiết kế, có sự tham gia của tư vấn LB Nga, Công ty Xây dựng hầm lò 1 đảm nhiệm thi công. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ mỏ cho biết: Các công đoạn sản xuất của mỏ Núi Béo sẽ được cơ giới hóa đến mức cao nhất, sử dụng giàn chống Vinaalta và máy khấu, giá khung di động, cột thủy lực đơn, máy đào lò com-bai, xe khoan tam-rốc; vận tải than liên tục bằng băng tải, máng cào,… Tập đoàn Vinacomin kỳ vọng, dự án sẽ là tiền đề nâng cao trình độ quản lý của cán bộ, công nghệ chế tạo thiết bị của các đơn vị cơ khí và nâng cao tay nghề công nhân đào lò, từ đó làm cơ sở cho việc sau này tự triển khai các dự án than hầm lò trọng điểm khác. Theo Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 Phạm Đức Khiêm, chỉ một tháng sau khi khởi công, đơn vị đã đổ mẻ bê-tông đầu tiên bằng thiết bị phun vữa tạo thành giếng, hiện tại đã hoàn thành công đoạn đầu tiên đào hai giếng đứng sâu 57 m, sau khi được chuyển giao công nghệ, thiết bị sẽ tiếp tục tiến hành xuống sâu. Dự kiến, đến năm 2017, mỏ hầm lò Núi Béo sẽ hoàn thành, đóng góp sản lượng hai triệu tấn/năm cho ngành than.
Một dự án mở vỉa bằng giếng đứng khác của ngành than cũng đang được triển khai là mỏ Khe Chàm II-IV, quy mô vượt xa mỏ Hà Lầm đang thực hiện, công suất 3,5 triệu tấn/năm. Dự án do Công ty TNHH một thành viên Than Hạ Long làm chủ đầu tư, nguồn vốn gần 12.600 tỷ đồng, sẽ khai thông xuống mức 500 m và dưới 500 m. Mỏ Khe Chàm II-IV cũng có công nghệ tương đương các mỏ hiện đại của châu Âu, cơ giới hóa đến mức cao nhất các công đoạn sản xuất. Công tác tư vấn, thiết kế và thi công cũng do các đơn vị trong ngành thực hiện. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến ngày 19-5-2013 sẽ khởi công. Sau Hà Lầm, Núi Béo và Khe Chàm II-IV, sẽ có thêm một số mỏ khác thi công giếng đứng, hiện đang trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án.
Hiện đại hóa mỏ hầm lò
Còn nhớ hơn mười năm trước, Công ty Than Thống Nhất là đơn vị khai thác than hầm lò sản lượng thấp, chỉ khoảng hơn 300 nghìn tấn/năm. Hiện nay, Thống Nhất đã vươn lên ở tốp đầu trong các đơn vị khai thác hầm lò của ngành than, sản lượng gần hai triệu tấn/năm. Điều gì khiến Than Thống Nhất bứt phá nhanh như vậy? Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa những đường lò, đó chính là cách làm của Than Thống Nhất. Vài năm trước, nhờ áp dụng công nghệ cơ giới hóa hiện đại, sản lượng khai thác than của công ty tăng vọt, bình quân từ 30 đến 40% mỗi năm. Năm 2005, công ty đạt “mốc son” một triệu tấn, hiện nay tăng lên 1,5 đến 1,7 triệu tấn/năm.
Đầu những năm 2000, Công ty Than Nam Mẫu ra đời, đồng hành cùng con đường CNH, HĐH ngành than. Thợ mỏ Nam Mẫu khởi sự thành công sự nghiệp đổi mới của Vinacomin, được coi là “hiện tượng” trong nghề khai thác than hầm lò. Công ty vừa đưa vào sử dụng hệ thống băng tải than dài nhất nước ta (gần bảy km, công suất 1.120 tấn/giờ, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng), từng bước chấm dứt hình thức vận chuyển than bằng ô-tô, giảm ô nhiễm môi trường. Giám đốc công ty Bùi Quốc Tuấn cho biết: Với mục tiêu hiện đại hóa dây chuyền công nghệ trong khai thác than, công ty đã tập trung chuyển đổi công nghệ khai thác và triển khai nhiều dự án nâng công suất mỏ. Dự kiến, các dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018, khi đó sản lượng khai thác sẽ đạt từ 4 đến 5 triệu tấn than/năm và là mỏ than có sản lượng khai thác hầm lò lớn bậc nhất khu vực miền tây Quảng Ninh.
Tuy đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ, nhưng bức tranh phát triển công nghệ sản xuất của Vinacomin trong 20 năm qua vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, mới chỉ dựa vào mở rộng sản xuất chứ chưa đạt đến trình độ cao trong áp dụng khoa học công nghệ. Trong quá trình thử nghiệm cơ giới hóa khai thác tại một số mỏ than, thời gian khai thác chỉ chiếm chưa đầy một nửa quỹ thời gian sản xuất, còn lại bị cản trở do các sự cố gây ách tắc sản xuất. Để đáp ứng cho các lò chợ cơ giới hóa được hoạt động liên tục, công tác đào lò cần được đầu tư đồng bộ. Thế nhưng, tiến độ đào lò ở nhiều mỏ còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về diện sản xuất và ảnh hưởng kế hoạch sản lượng của các công ty. Đây chính là rào cản khiến hàm lượng công nghệ trong khai thác than còn thấp.
Để duy trì và phát triển theo hướng hiện đại, các đơn vị trong Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp. Thực tiễn đã chứng minh, việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hầm lò là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn ngành. Ngoài việc đề xuất Nhà nước có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cả về nguồn lực và cơ sở vật chất trong nghiên cứu thiết kế, nội địa hóa chế tạo các sản phẩm cơ khí và trang thiết bị cơ giới hóa, Vinacomin cần huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, tăng cường gắn kết giữa Tập đoàn, đơn vị tư vấn, nghiên cứu với các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và phát triển, hiện đại hóa các mỏ than, từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò.
Theo Nhandan
Ý kiến ()