Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí
Báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng; là ngọn cờ, là công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trước tình hình mới, công tác lãnh đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước cần có nhiều đổi mới, cả về nội dung, phương châm, phương thức.Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có hơn 730 cơ quan báo in, một hãng thông tấn quốc gia; 67 đài phát thanh, đài truyền hình và đài phát thanh - truyền hình. Trong số các đài phát thanh, truyền hình, có hai đài quốc gia (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), một đài của ngành (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý).Vài năm...
Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có hơn 730 cơ quan báo in, một hãng thông tấn quốc gia; 67 đài phát thanh, đài truyền hình và đài phát thanh – truyền hình. Trong số các đài phát thanh, truyền hình, có hai đài quốc gia (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), một đài của ngành (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý).
Vài năm trở lại đây, hạ tầng kỹ thuật phát và truyền tín hiệu thông tin (mặt đất, cáp, vệ tinh) phát triển mạnh, cho phép truyền tải nhiều kênh, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình. Cùng với hệ thống nêu trên là 64 đài phát thanh – truyền hình, đài truyền hình và đài phát thanh (TP Hồ Chí Minh có 2 đài phát thanh và truyền hình riêng biệt), cấp huyện, thị xã có hơn 500 đài, trạm truyền thanh, truyền hình, hàng nghìn trạm truyền thanh, truyền hình cơ sở; cả nước có hơn 1.600 máy phát sóng truyền hình, 3.500 máy phát sóng phát thanh, hàng nghìn trạm thu sóng qua vệ tinh. Tuy 30 năm sau khi ra đời in-tơ-nét mới có mặt ở Việt Nam, nhưng chỉ sau ít năm, số người sử dụng in-tơ-nét ở Việt Nam gần bằng 35% số dân; cả nước hiện có hơn 60 báo điện tử, trong đó có 16 báo, tạp chí độc lập, gần 300 trang tin của cơ quan báo chí và hơn 280 trang thông tin điện tử tổng hợp; 63 trong số 63 tỉnh, thành phố, 22 trong số 22 bộ, ngành đã có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; hơn 230 mạng xã hội đăng ký hoạt động. Sự ra đời và phát triển vượt bậc của báo điện tử nối mạng in-tơ-nét cùng khả năng tích hợp nhiều loại hình báo chí trên một thiết bị truyền thông hiện đại tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của các cơ quan báo chí và công chúng của báo chí. Về đội ngũ, hiện cả nước có hơn 17.500 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục nghìn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành, sống chủ yếu bằng dịch vụ nghề báo. So với năm 1986 – năm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới thì số lượng các cơ quan báo chí, số lượng báo, đài, tạp chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ ba đến bốn lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng 1,3 đến 1,5 lần. Riêng lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mức tăng ở một số lĩnh vực lên đến hàng chục lần.
Nhìn từ tổng thể, phải nói rằng, báo chí nước ta đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt: tăng loại hình; tăng số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, ấn phẩm, chương trình; tăng chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí, nhất là ở nước ngoài; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và kỹ thuật. Các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới; mở rộng giao lưu, hội nhập. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng và kiên trì thực hiện những quy định mang tính nguyên tắc nhằm giữ vững tôn chỉ, mục đích; bảo đảm thông tin tích cực, lành mạnh luôn chiếm tỷ lệ lớn; khuyến khích việc phát hiện và cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phát động và tổ chức nhiều phong trào hành động cách mạng, hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm và thành tựu, hoạt động báo chí ở nước ta còn bộc lộ không ít non kém, khuyết điểm. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng. Một số báo ngành, đoàn thể, địa phương đã vượt ra khỏi phạm vi tôn chỉ, mục đích để trở thành (hoặc muốn trở thành) một tờ báo chính trị – xã hội của cả nước. Điều này dẫn tới việc các báo ít nhiều sao nhãng nhiệm vụ chính của mình; đề cập quá nhiều các vấn đề của các ngành, đoàn thể, địa phương khác; nội dung thông tin trên báo chí thường giống nhau, bắt chước hoặc sao chép nhau, nhất là khi có các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các vụ án, các vụ việc giật gân, câu khách. Bên cạnh đó, việc xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống các đài phát thanh, truyền hình còn nhiều lúng túng, bất cập, gây lãng phí, tốn kém; nhất là việc xã hội hóa hoạt động truyền hình vẫn có tình trạng buông lỏng, không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, vừa “khoán trắng” cho đối tác liên kết, thậm chí “bán kênh”, “bán sóng” cho tư nhân…
Có thể xác định một số nguyên nhân đẩy tới tình trạng nêu trên. Một là, phương thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với báo chí chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng, bất cập; chưa có các quyết sách cơ bản, lâu dài; có biểu hiện vừa buông lỏng, hữu khuynh, vừa áp đặt, khiên cưỡng. Việc cung cấp thông tin cho báo chí, thực hiện cơ chế người phát ngôn của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều sơ hở. Luật Báo chí (năm 1989) được bổ sung, sửa đổi năm 1999, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nhất là ở loại hình báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình. Hai là, năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo, nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí còn bất cập, hạn chế. Việc nhìn nhận, chọn lọc, xử lý thông tin, nhất là những thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm còn lúng túng. Ba là, công tác đào tạo, giáo dục, tiếp nhận, sử dụng cán bộ, phóng viên, nhân viên ở một số cơ quan báo chí chưa tốt. Cả nước có ba cơ sở đào tạo phóng viên báo chí ở trình độ đại học, sau đại học, nhưng chưa có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí. Bốn là, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về báo chí không theo kịp sự phát triển của báo chí. Các khái niệm: quyền tự do báo chí ; quyền tự do ngôn luận trên báo chí; thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới và việc xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân chưa được làm rõ, đôi lúc mơ hồ, không đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Năm là, mâu thuẫn giữa chức năng tư tưởng, văn hóa với hoạt động kinh tế của báo chí; giữa thông tin, tuyên truyền và thương mại của báo chí ngày càng gay gắt. Sáu là, chiến lược thông tin quốc gia, công tác quy hoạch phát triển báo chí chưa theo kịp bước phát triển của ngành. Hệ thống báo chí của ta hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý, vi phạm tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về nội dung, nặng về bao cấp, gây lãng phí, tốn kém. Bảy là, công tác xây dựng Đảng, vai trò của tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị – xã hội ở một số cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức. Một số tổng biên tập, ban biên tập báo, đài, tạp chí chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản và các cơ quan làm công tác quản lý báo chí. Tám là, tác động tiêu cực từ bên ngoài, khi ngấm ngầm, lúc lộ liễu.
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí càng được đặt ra một cách cấp thiết. Cần thống nhất nhận thức rằng, Đảng lãnh đạo báo chí là đề ra chủ trương, chính sách về công tác báo chí; định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí; định hướng chính trị và nội dung thông tin, tuyên truyền của báo chí; lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí; lãnh đạo các đoàn thể chính trị – xã hội trong cơ quan báo chí. Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí được đặt ra ngay từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, và từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật về báo chí ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (năm 1999) đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm nhà báo, vai trò quản lý nhà nước đối với hệ thống thông tin đại chúng… Vì thế, để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trước yêu cầu mới, chúng ta cần hiện thực hóa các nội dung hoạt động sau:
Cùng với những nghị quyết, chỉ thị, quy định quan trọng do Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ cuối khóa IX đến nay, cần tiếp tục xây dựng, bổ sung các quy định, quy chế tạo cơ sở chính trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí. Tiếp tục thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng trong bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí, Chiến lược thông tin quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chế tài đủ mạnh để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, vững chắc, vừa xử lý kịp thời, dứt điểm các sai phạm, nhất là các sai phạm lớn, lặp đi lặp lại, kéo dài.
Trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, khẩn trương lập đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí cả nước, của từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị theo hướng hợp lý, tinh gọn, thiết thực, hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc để sai phạm kéo dài. Coi trọng việc xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí vững mạnh về mọi mặt; đề cao vai trò đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo; trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí và nhà báo. Nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, văn hóa, khoa học của từng cơ quan báo chí, để báo chí thật sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước; các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp; diễn đàn tin cậy của nhân dân. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; đào tạo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Mở rộng nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo báo chí với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản của báo chí; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan chủ quản với các cơ quan báo chí. Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, khả năng chi phối thông tin của các báo, đài chủ lực. Đầu tư thỏa đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại. Tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, các khu vực bằng công nghệ thông tin hiện đại; đưa sách, báo có nội dung tốt trong nước phục vụ đồng bào ta ở nước ngoài; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới.
Kiên quyết đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch bằng một đội ngũ nhà báo và chuyên gia giàu tâm huyết, có kiến thức và kinh nghiệm, sử dụng các hình thức và phương tiện phù hợp. Ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xâm nhập báo chí nước ta của các thế lực thù địch, phản động từ bên ngoài.
Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, và điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí. Nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại; ưu tiên phủ sóng phát thanh, truyền hình, phát hành các ấn phẩm báo chí cho giới trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, hải đảo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()