Nâng cao năng lực dự báo thiên tai
Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài sự chủ động, sẵn sàng ứng phó của cả hệ thống chính trị, công tác dự báo khí tượng – thủy văn (KTTV) cần có những thay đổi mạnh mẽ, nhằm nâng cao chất lượng, công nghệ quan trắc.
Với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế – xã hội, nhu cầu thông tin về KTTV đòi hỏi ngày càng tăng, không chỉ xuất phát từ cộng đồng mà còn xuất phát từ nhiều thành phần kinh tế – xã hội như nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và quốc phòng, an ninh.
Thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, bão, lũ, mưa lớn, ngập lụt, hạn hán gia tăng về cường độ, tần suất. So với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý nhà nước, công tác dự báo, cảnh báo kịp thời các loại hình thiên tai nguy hiểm, trong đó đặc biệt còn thiếu các trạm quan trắc ở những vùng có thiên tai nguy hiểm, nhất là vùng núi và trên biển. Trong các đợt mưa, bão, lũ hiện tượng sạt lở đất, bùn đá thường xảy ra bất ngờ và ít có số liệu quan trắc trực tiếp. Do đó, theo các nhà KTTV, việc đầu tư, sử dụng các công nghệ hiện đại như máy bay không người lái (UAV), flycam… để chụp, quét, quay các ảnh độ phân giải cao khu vực vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất là rất cần thiết. Thông tin ảnh được theo dõi, xử lý cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp phát hiện sớm khu vực có nguy cơ xuất hiện hiện tượng này để sơ tán, phòng tránh khẩn cấp, kịp thời.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ. Hơn 50% dân số nước ta sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển; có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, nước ta cũng là một trong những quốc gia trên thế giới phải gánh chịu các tác động tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu, nhất là các địa phương ven biển. Chính vì vậy, việc giám sát đại dương, dự báo cảnh báo thiên tai phục vụ sinh kế biển rất quan trọng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi thiên tai, tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 12 triệu người dân ở các tỉnh ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và hơn 35% các khu dân cư nằm dọc bờ biển đang bị xói lở. Hằng năm, người dân sinh sống ở khu vực ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai như: bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường, xói lở bờ biển, hạn hán hoặc xâm nhập mặn.
Để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo kịp thời các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào đất liền, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quan tâm phát triển mạng lưới quan trắc biển đảo. Hiện nay, mạng lưới quan trắc khí tượng hải văn biển đã phát triển được 26 trạm quan trắc trên các điểm đảo và vùng ven biển cung cấp các chuỗi số liệu quan trọng. Trong đó có hai trạm quan trắc mực nước biển (Quy Nhơn và Vũng Tàu) đã hòa vào mạng lưới quan trắc đại dương toàn cầu.
Mặt khác, ngành KTTV đã khai thác thông tin qua vệ tinh của Nhật Bản, châu Âu, sử dụng số liệu quan trắc từ các tàu hành trình trên biển để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên biển. Bên cạnh đó, mạng lưới 10 trạm ra-đa thời tiết ven biển được đầu tư mới và nâng cấp thông qua các dự án hợp tác quốc tế, đã hỗ trợ hiệu quả cho dự báo, cảnh báo khi bão gần bờ. Những nỗ lực từ mạng lưới quan trắc, dự báo KTTV trong vòng 10 năm qua đã góp phần nâng cao thời hạn cảnh báo bão sớm trước năm ngày; dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước ba ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước hai đến ba ngày; cảnh báo rét đậm, rét hại trước hai đến ba ngày; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền trung, Tây Nguyên trước từ một đến hai ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước ba đến năm ngày.
Theo Nhandan
Ý kiến ()