Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai
Nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm bớt thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Để việc dự báo, cảnh báo thiên tai đạt hiệu quả, ngành khí tượng - thủy văn (KTTV) cần có giải pháp nâng cao chất lượng và khả năng quan trắc, dự báo, cảnh báo, truyền tin KTTV từ Trung ương đến địa phương.
Nhận định về xu thế thiên tai mùa mưa, bão ở Việt Nam trong năm 2018, Phó Tổng cục trưởng KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái cho biết, do hiện tượng ENSO (để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina) ở pha trung tính trong nửa đầu năm 2017 và chuyển về pha lạnh (La Nina) cuối năm 2017, cho nên nhiệt độ đầu năm trên cả nước ở mức cao. Hiện tại, ENSO được xác định đang ở trạng thái La Nina, khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ nửa cuối năm 2018. Do vậy, trong năm 2018, dự báo sẽ có từ 12 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có từ năm đến sáu cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Đáng chú ý, bão và ATNĐ, có xu hướng xuất hiện nhiều ở khu vực phía bắc Biển Đông và dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018; nhiều khả năng bão và ATNĐ ảnh hưởng khu vực Trung Bộ. Trong khi đó, nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện muộn hơn, mức độ không gay gắt như năm 2017. Đối với mùa khô năm 2018, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trên nhiều sông, suối mực nước dự báo xuống thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ sẽ xuất hiện ở khu vực này. Tình hình xâm nhập mặn ở Nam Bộ trong mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương các năm 2016, 2017. Về mưa lũ, năm 2018, đỉnh lũ trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 2 (BĐ) và BĐ3, một số sông suối nhỏ trên mức BĐ 3. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017, nhất là tại các khu vực miền núi phía tây Bắc Bộ. Mùa lũ ở các sông thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm, đỉnh lũ năm 2018 trên các sông ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm. Trên lưu vực sông Mê Công mùa lũ đến sớm hơn so trung bình nhiều năm, đến cuối tháng 7, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức từ 2,5 m đến 3 m; đỉnh lũ năm 2018 khả năng ở mức BĐ2, BĐ3. Trong năm 2018, triều cường cao sẽ xuất hiện ở khu vực biển Nam Bộ vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và trung tuần của tháng 12. Tại ven biển Nam Trung Bộ (hai tỉnh Phú Yên, Phan Thiết) nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng 11 và 12. Nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn sẽ tập trung ở ven biển Trung Bộ.
Cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai, có thể ngăn ngừa thiệt hại về người và giảm tác động kinh tế, vật chất của thiên tai. Vì vậy, để chủ động ứng phó với xu thế thiên tai nêu trên, trong năm 2018, ngành KTTV xác định công tác trọng tâm là dự báo, cảnh báo sớm xuất hiện của bão, ATNĐ; mưa lũ trái mùa ở phía nam và sau đó là mưa lũ tập trung trong các tháng 6, 7, 8 ở phía bắc; theo dõi cảnh báo về khả năng lũ sớm, lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai, nâng mức dự báo, cảnh báo sớm đến năm ngày, ATNĐ đến ba ngày và cảnh báo mưa, lũ lớn trước từ một đến hai ngày so trước đây. Ngành KTTV sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo lũ quét, sạt lở đất, bão mạnh, siêu bão ở khu vực phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, tăng mật độ hệ thống quan trắc tự động. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, truyền tin thiên tai tới nhân dân, để người dân chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Các chuyên gia trong lĩnh vực KTTV cho rằng, để công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ở Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho ngành KTTV, trước mắt tăng số điểm đo mưa, bảo đảm mật độ từ 40 km đến 120 km; ưu tiên hiện đại hóa và vận hành ổn định hệ thống ra – đa thời tiết trên toàn quốc; tăng cường số liệu đo bão trên biển, với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan. Để phục vụ cho các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững và hiệu quả, trong tương lai cần xem xét phương án bay thám sát bão bằng máy bay, hoặc tên lửa để xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển và cường độ của bão chính xác hơn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()