Nâng cao năng lực cho các cơ quan pháp quy về hạt nhân của Việt Nam
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh cho biết, dự án “Tăng cường năng lực và tính hiệu quả của Cục An toàn bức xạ hạt nhân và tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cục” (Dự án VN3.01/13) được triển khai cho giai đoạn 2016-2019 là sự tiếp nối của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khung pháp lý về an toàn hạt nhân và tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy về hạt nhân của Việt Nam và trung tâm hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan pháp quy”. Sau ba năm triển khai, tất cả các hoạt động đề ra đã được thực hiện đúng tiến độ và các kết quả đạt được đáp ứng mục tiêu đặt ra ban đầu đối với Dự án, góp phần hoàn thiện dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về an toàn hạt nhân, thanh sát hạt nhân và ứng phó sự cố; bước đầu xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Cục ATBXHN. Có thể khẳng định những thành tựu đạt được của Dự án đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả cho cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải, dự án có sáu nhiệm vụ: xây dựng khung pháp quy và pháp lý về an toàn hạt nhân tại Việt Nam; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng phục vụ cho việc quản lý cơ sở hạt nhân của Cục; xây dựng năng lực cho Cục ATBXHN để tiến hành đánh giá độc lập và thẩm định hồ sơ an toàn; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và chương trình đào tạo bền vững cho Cục ATBXHN và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của Cục; an ninh và thanh sát hạt nhân; minh bạch và thông tin công chúng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án đến nay, do chiến lược phát triển điện hạt nhân của Việt Nam có sự thay đổi theo Nghị quyết số 31/2016 ngày 22-11-2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Cục ATBXHN và EU đã phối hợp điều chỉnh một số nội dung của Dự án để phù hợp với tình hình mới, tập trung vào các lĩnh vực như: An toàn lò phản ứng nghiên cứu; Chuẩn bị và ứng phó sự cố; Chiến lược và chính sách an toàn quản lý chất thải phóng xạ…Thông qua dự án, kiến thức, kinh nghiệm châu Âu và các tiêu chuẩn, thực tiễn quốc tế đã được chia sẻ với Cục ATBXHN, nhờ đó các kết quả thu được đã đáp ứng được mục tiêu ban đầu đặt ra cho dự án.
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đã giới thiệu về các hướng dẫn và văn bản quốc tế liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược và chính sách quốc gia về quản lý chất thải phóng xạ, phân loại và các lựa chọn xử lý chất thải phóng xạ, cấp phép cho các cơ sở quản lý chất thải phóng xạ, các bước trước khi chôn cất chất thải, áp dụng các nguyên tắc loại trừ, xây dựng chiến lược và chính sách quốc gia của Việt Nam về quản lý chất thải phóng xạ…
Ý kiến ()