Nâng cao năng lực cạnh tranh: Ngành công thương đồng hành cùng doanh nghiệp
LSO - Thời gian qua, ngành công thương đã và đang thực hiện nhiều biện pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu để dần nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Sản xuất gạch tại Công ty Phú Lộc
Theo đánh giá của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2014 của Lạng Sơn xếp vị trí thứ 54/63 tỉnh, thành cả nước. Tuy có tăng 5 bậc so với năm 2013 nhưng thực tế cho thấy, việc tạo dựng năng lực cạnh tranh vẫn còn nhiều hạn chế.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, ngành công thương đã và đang thực hiện một số giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, ngành công thương đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và tiêu thụ hàng hoá trên thị trường, thúc đẩy sản xuất. Tăng cường kích cầu dịch vụ và tiêu dùng nội địa cũng như khai thác lợi thế xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và địa phương để đổi mới và cụ thể hoá các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của tỉnh. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, hỗ trợ đào tạo về tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn… Xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cùng với những giải pháp trực tiếp, ngành công thương còn làm cầu nối để đẩy mạnh mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh. Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chất lượng dịch vụ hỗ trợ có liên quan như: tư vấn hỗ trợ về thông tin pháp luật, thông tin về ứng dụng công nghệ và đào tạo; tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế… tạo đồng bộ trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2015 – 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp với Công ty Điện lực Lạng Sơn triển khai và thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các thủ tục, thời gian và chi phí tiếp cận để đấu nối, cấp điện cho các dự án của doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án thủy điện trên địa bàn được bán điện lên lưới điện quốc gia. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp và xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý đúng pháp luật các hoạt động kinh doanh trái phép, chống buôn lậu và gian lận thương mại, lũng đoạn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.
Tính đến ngày 20/8/2015, tỉnh có 524 lượt thay đổi đăng ký kinh doanh, trong đó có 212 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 51 doanh nghiệp giải thể và 260 doanh nghiệp thay đổi đăng ký. Nâng tổng số vốn đăng ký lên 993 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2014. Bà Phùng Thanh Nga, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Qua theo dõi và đánh giá của phòng, năm 2015, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư có chiều sâu, chú trọng nâng cấp dây chuyền công nghệ, quy mô hoạt động và có chiến lược kinh doanh dài hơi. Do vậy, tuy số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng tổng vốn đăng ký lại tăng mạnh. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã “nóng” dần lên. Đây chính là hiệu quả cụ thể, thiết thực trong việc các cấp, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian qua.
Bài, ảnh: Anh Dũng
Ý kiến ()