Nâng cao năng lực cạnh tranh: Cách làm ở Bắc Sơn
LSO- Năm 2018, huyện Bắc Sơn phấn đấu chỉ số DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố) đạt 45 điểm (tổng 8 chỉ số thành phần), nằm trong nhóm có chất lượng điều hành khá. Ngay từ đầu năm, huyện Bắc Sơn đã và đang triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra với cách làm riêng của mình.
Ông Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Xây dựng bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh được huyện Bắc Sơn đặc biệt quan tâm, bởi điểm số các chỉ số thành phần được doanh nghiệp và người dân đánh giá sẽ phản ánh trung thực môi trường đầu tư, qua đó tạo được ấn tượng tốt cho doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào địa bàn.
Năm 2018, lần đầu tiên huyện thực hiện xây dựng bộ chỉ số DDCI và đặt mục tiêu phấn đấu 8 chỉ số thành phần có điểm số cao hơn so với kết quả bình quân của khối huyện, thành phố được tỉnh chỉ đạo khảo sát thí điểm năm 2017.
Theo đó, 5 chỉ số về: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; vai trò của người đứng đầu; tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất đạt 6 điểm trở lên (các chỉ số này khảo sát thí điểm tại 6 huyện năm 2017, lần lượt có điểm bình quân là: 5,86; 5,91; 5,94; 5,42 và 5,13). Đối với 3 chỉ số thành phần khác gồm: chi phí thời gian; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý, huyện phấn đấu đạt 5 điểm trở lên (khảo sát thí điểm năm 2017 tại 6 huyện, các chỉ số này lần lượt có điểm bình quân là 4,67; 4,96; 4,43).
Tập trung đất đai phát triển cây ăn quả được người dân ủng hộ tại xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn
Trong số 8 chỉ số thành phần, huyện Bắc Sơn đặc biệt coi trọng chỉ số “tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất”. Ông Lộc Quang Cường, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện phân tích: Tiếp cận đất đai của doanh nghiệp là vấn đề phức tạp bởi liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất và cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Do đó, nếu giải quyết tốt chỉ số này đồng nghĩa với nhiệm vụ cải thiện môi trường thu hút đầu tư vào địa bàn đã thành công đến 80%.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, về chiến lược lâu dài, tháng 10/2017, Huyện ủy Bắc Sơn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 17 về công tác tích tụ và tập trung đất đai để phát triển sản xuât nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2022. Trong đó, xác định rõ tích tụ, tập trung đất đai để phục vụ phát triển sản xuất tập trung và tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư cùng bà con hưởng lợi trên diện tích đất đó.
Sau gần 1 năm triển khai, việc tích tụ, tập trung đất đai đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Đến nay, các xã: Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Vũ Sơn, Tân Thành, Trấn Yên, Tân Hương đã được người dân đồng thuận tích tụ được 361 ha và xây dựng được 4 mô hình thí điểm có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp theo phương thức doanh nghiệp thuê đất lâu dài của người dân. Trong đó, xã Tân Hương đang triển khai 2 mô hình tích tụ đất đai liên kết với doanh nghiệp với diện tích hơn 80 ha để trồng cây ăn quả và vùng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò thương phẩm. Xã Trấn Yên và xã Vũ Sơn mỗi xã 1 mô hình với diện tích hơn 30 ha.
Đối với các chỉ số thành phần khác như: vai trò của người đứng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính cũng đang được thực hiện đồng bộ. Riêng đối với chỉ số vai trò của người đứng đầu, Văn phòng UBND huyện làm đầu mối xây dựng và phát triển các kênh thông tin giao tiếp giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân; định kỳ tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến và xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện, tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính, các phòng chức năng nghiên cứu để rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh và các lĩnh vực liên quan khác.
Với kế hoạch tổng thể và các giải pháp chi tiết, huyện Bắc Sơn đang hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số DDCI, thúc đẩy sự phát triển chung trên địa bàn huyện.
TRANG NINH
Ý kiến ()