Nâng cao năng lực cảnh báo chi tiết đến điểm có nguy cơ sạt lở
Ngành Khí tượng thủy văn đang thực hiện khoanh vùng cảnh báo khi có mưa lớn, đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chi tiết đến điểm có nguy cơ sạt lở để người dân phòng tránh.
Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân, nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023; nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: ngành Khí tượng thủy văn đang thực hiện khoanh vùng cảnh báo khi có mưa lớn, đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chi tiết đến điểm có nguy cơ sạt lở để người dân phòng tránh.
Tuy nhiên, hiện nay tại một số tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện những vết trượt lở, sạt lở có quy mô lớn và tiềm năng là những khối sạt lở lớn có khả năng đe dọa những khu dân cư và những công trình giao thông, các hồ thủy điện, thủy lợi. Về điểm này, việc cần thiết là tổ chức đoàn khảo sát nhằm đánh giá khoa học và đầy đủ các yếu tố.
Đặc biệt hoạt động khảo sát phải có sự phối hợp với các chuyên gia của Cục Địa chất Việt Nam, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cũng như các chuyên gia trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá cụ thể, chính xác, xác định nguyên nhân cũng như dự báo được nguy cơ, mức độ phát triển của các khối sạt lở, từ đó đề xuất các giải pháp, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên. Đây là việc cấp thiết, cần sớm thực hiện trong thời gian tới.
Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí mọi nguồn lực, sớm lên kế hoạch đi kiểm tra khảo sát một số khu vực sạt lở và có nguy cơ tai biến địa chất tại Tây Nguyên trong tháng 8.
Về giải pháp lâu dài, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho rằng, sẽ triển khai các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ và các địa phương có thể nắm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Gần đây tình trạng sạt lở bờ sông Thao, đoạn qua khu 14 xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ diễn ra ngày một nghiêm trọng. Nhiều hecta đất bãi trồng hoa màu của người dân bị nước sông cuốn trôi. Sạt lở đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân.
Trong buổi kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giao Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai phối hợp với tỉnh Phú Thọ khảo sát, báo cáo Bộ tổng hợp, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và an toàn công trình đê điều.
Trước mắt, địa phương cần cắm biển cảnh báo không cho người, gia súc ra khu vực sạt lở; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, thực hiện khoanh vùng, có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.
Mới đây, trời mưa nhiều khiến mực nước suối Lừm, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi bà H.T.P (sinh năm 1970) và con trai là T.V.B (sinh năm 2013) trú tại bản Lừm Thượng A, xã Pắc Ngà khi đi làm nương về qua suối.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên Lừ Thị Bình, các lực lượng và nhân dân đã tích cực tìm kiếm nhưng do trời mưa, nước chảy xiết, lòng suối nhiều đá, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Đến 17 giờ, ngày 14/8, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy hai nạn nhân.
Theo Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, bên cạnh các điểm sụt trượt, sạt lở đất, địa bàn tỉnh còn một số khu vực xảy ra sụt trượt, sạt lở đất.
Điển hình như tuyến tránh thành phố Gia Nghĩa (đoạn qua phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa); tỉnh lộ 1, đoạn km25 300÷25 800 (chiều dài khoảng 500m) với nhiều vết nứt trên mặt đường; tỉnh lộ 6, đoạn qua xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song…
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến ngày 31/7, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trên 7,2 tỷ đồng. Trong đó, dông lốc làm sập 19 căn nhà, tốc mái 61 căn, ước tổng thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng; sạt lở bờ sông xảy ra 63 điểm, chiều dài 1.550 m, diện tích mất đất là 9.362 m2, ước thiệt hại trên 5,6 tỷ đồng…/.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/nang-cao-nang-luc-canh-bao-chi-tiet-den-diem-co-nguy-co-sat-lo/889165.vnp
Ý kiến ()