Nâng cao năng lực các loại hình vận tải, giảm áp lực cho đường bộ
LTS: Thời gian qua, do buông lỏng quản lý, tình trạng xe vi phạm chở hàng hóa quá khổ, quá tải trọng diễn ra rất phổ biến, khiến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ xuống cấp, hư hỏng, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây thiệt hại cho nền kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có chủ trương siết chặt việc kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, thực hiện đồng loạt trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 1-4. Đến nay, sau một tháng triển khai, có nhiều vấn đề, vướng mắc nảy sinh, PV Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chung quanh vấn đề này.
PV: Đề nghị Bộ trưởng đánh giá kết quả triển khai chủ trương kiểm soát xe quá khổ, quá tải thời gian qua?
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Theo báo cáo từ các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, từ ngày 1 đến 24-4, đã kiểm tra được 27.168 xe; trong đó, số xe vi phạm là 4.948 xe, chiếm khoảng 18,2%, giảm sâu so với tỷ lệ xe vi phạm trong tháng 1-2014 (khoảng 45,3%). Bộ GTVT đang tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp kết quả kiểm tra tải trọng xe bằng các trang thiết bị khác, như bộ cân xách tay, trạm cân cố định để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Công điện 1966/CĐ-TTg về tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, dự kiến tổ chức trong tháng 5 tới.
Kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, sự phối hợp hiệu quả của các lực lượng công an trong quá trình thực hiện Kế hoạch số 1253/KHPH-BGTVT-BCA về việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô-tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Lực lượng công an các địa phương phối hợp Thanh tra GTVT nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, nghiêm túc chấp hành quy trình, quy chế công tác và chỉ đạo của cấp trên; khéo léo, mềm dẻo nhưng kiên quyết trong giải quyết các vụ việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thật sự vào cuộc, chưa bố trí đủ lực lượng phối hợp, chỉ làm việc trong giờ hành chính; một số chủ xe, lái xe tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, theo dõi tình hình kiểm tra; có trường hợp lợi dụng việc kiểm tra tải trọng xe để ép tăng giá cước quá cao hoặc thông đồng với một số chủ hàng, cố tình đưa tin không chính xác về tình hình vận chuyển hàng hóa nhằm tạo dư luận, gây sức ép lên cơ quan quản lý. Một số lái xe, chủ xe cố tình chở quá tải và tránh không đi qua trạm kiểm tra tải trọng xe. Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó khăn về lực lượng, vị trí đặt trạm kiểm tra tải trọng xe, địa điểm hạ tải, thiếu kinh phí hoạt động; hệ thống cân hoạt động chưa ổn định do tác nghiệp hoặc do hạ tầng viễn thông kém…
PV: Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và của ngành GTVT, tuy nhiên khi thực hiện đã có vướng mắc, gây xáo trộn không nhỏ về giá cước vận tải; khiến hàng hóa ùn ứ tại các điểm cảng đồng thời với việc khan hiếm hàng hóa tại một số địa phương. Quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Đường thủy nội địa, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không và các đơn vị kinh doanh vận tải khối lượng lớn,… tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, qua đó giảm áp lực cho vận tải đường bộ, thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng với cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức.
Đồng thời, tại Công văn 478/TTg-KTN ngày 16-4, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc quyết liệt, duy trì liên tục việc kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải trên địa bàn cả nước để đưa hoạt động vận tải hàng hóa dần đi vào nền nếp. Bộ GTVT cũng thường xuyên phối hợp các hiệp hội ngành nghề để tập trung tháo gỡ ngay một số khó khăn cho doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện khi triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện.
PV: Trước hiện tượng trục trặc về thiết bị trạm cân; sự phối hợp chưa chặt chẽ, đôi khi còn lúng túng, bị động của lực lượng chức năng; phản ứng tiêu cực của lái xe, Bộ GTVT đã có biện pháp gì để giải quyết căn bản, tận gốc các vướng mắc phát sinh, tạo sự đồng thuận trong xã hội?
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp nhà sản xuất (Công ty TNHH một thành viên Hanel) và các địa phương sửa chữa, tăng cường công tác bảo dưỡng các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động bảo đảm hoạt động liên tục, duy trì độ chính xác, hạn chế sai số đến mức thấp nhất, bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp vận tải và lái xe; nghiên cứu điều chỉnh phần mềm để in kết quả cân, đồng thời in biên bản, quyết định xử lý vi phạm hành chính và gửi dữ liệu báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; nghiên cứu đề xuất phương án nâng cấp, cải tiến trang thiết bị hoặc bộ phận cần thiết để bảo đảm hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trong điều kiện thời tiết xấu.
Đối với những phản ứng tiêu cực của chủ xe, lái xe, một mặt, Bộ đề nghị các Sở GTVT phối hợp Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức của họ. Mặt khác, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Công an, UBND các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho các trạm kiểm tra tải trọng xe.
PV: Bộ trưởng có thể cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ triển khai những biện pháp nào nhằm thực hiện quyết liệt và đồng bộ chủ trương kiểm soát xe quá khổ, quá tải, ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm, góp phần khai thác lâu dài các công trình cầu đường và bảo đảm an toàn giao thông?
Bộ trưởng Đinh La Thăng:Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng và 24 ngày triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn quốc. Báo cáo cũng đã thể hiện rất rõ các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn; đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm để đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô-tô, hoạt động kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng cho phép.
Bộ đẩy mạnh phối hợp Bộ Công an tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 12593/KHPHBGTVT-BCA; thường xuyên thực hiện kiểm tra đột xuất tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giữa hai kỳ kiểm định đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm phát hiện và xử lý việc tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng kích thước của xe để phục vụ cho việc chở hàng hóa quá tải trọng; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm tra tải trọng xe để kịp thời ngăn chặn hiện tượng tiêu cực.
Bộ GTVT đặc biệt chú trọng việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để tăng cường kết nối các phương thức vận tải, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức để giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Bộ cũng chủ động phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin về tác hại của xe ô-tô quá tải đối với kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông và phát triển kinh tế – xã hội; quy định pháp luật về quản lý tải trọng xe, xếp hàng hóa trên xe ô-tô; nâng cao nhận thức và tính tự giác thực hiện quy định pháp luật của lái xe, chủ xe, chủ hàng,… Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện theo chức năng nhiệm vụ; đề xuất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Nhandan
Ý kiến ()