Nâng cao kỹ năng tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1
(LSO) – Thời gian qua, các trường học cấp mầm non trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao khả năng tiếng Việt cho trẻ, đặc biệt là trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn khi đến trường.
Toàn tỉnh hiện có 232 trường mầm non (224 trường công lập và 8 trường tư thục) với 440 điểm trường lẻ, trong đó có hơn 15.000 trẻ mầm non 5 tuổi, một phần không nhỏ học tại các trường, điểm trường khu vực vùng sâu, vùng xa vùng DTTS. Ở những khu vực này, trước khi vào lớp 1, đa số trẻ em chỉ được giao tiếp bằng tiếng Việt trong phạm vi trường mầm non. Những nơi thường xuyên sử dụng tiếng Việt như khu vui chơi, nơi mua bán…, các em học sinh người DTTS vùng khó khăn chưa có cơ hội tham gia thường xuyên. Vì vậy khi các em bước vào lớp 1, khả năng nghe, nói chuẩn tiếng Việt còn hạn chế, hay bị nói ngọng, khiến việc giao tiếp giữa thầy và trò diễn ra không thuận lợi. Do vậy, việc tạo môi trường tăng cường tiếng Việt cho các em mầm non 5 tuổi trước khi vào lớp 1 là một việc làm được các nhà trường và giáo viên ưu tiên giảng dạy.
Học sinh Trường Mầm non xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng hăng hái trong giờ học làm quen với tiếng Việt
Cô Đàm Minh Phước, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Yên Phúc cho biết: Tại điểm trường này chỉ có 2 lớp học với hơn 40 học sinh, riêng trẻ 5 tuổi là 11 em, học sinh 100% là người dân tộc Tày và Nùng. Vì là điểm trường xa, đặt tại thôn bản, thiếu môi trường giao tiếp tiếng Việt nên các cô giáo ở trường phải thường xuyên tổ chức các hoạt động để tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho các em nghe, hiểu, giao tiếp với bạn, với cô bằng tiếng Việt. Các lớp học được trang trí nhiều tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi, bắt mắt có chú thích bằng các chữ cái và tiếng Việt để thu hút, gợi trí tò mò của trẻ khi đến lớp.
Là một giáo viên nhiều năm giảng dạy ở khu vực vùng xa, nơi có nhiều học sinh DTTS, cô Nguyễn Thị Huệ, Trường Mầm non xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho biết: Dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS ở vùng xa, thiếu môi trường giao tiếp tiếng Việt rất khó, đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, bởi khi phát âm, trẻ thường bị pha giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt dẫn đến bị ngọng nên giáo viên phải sửa, nhắc lại nhiều lần. Đối với trẻ từ 4 – 5 tuổi, giai đoạn chuẩn bị bước vào lớp 1 thì việc rèn luyện nói tiếng Việt lại càng trở nên cần thiết hơn, do đó, để giúp các em tiếp thu, cải thiện vốn tiếng Việt, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, nhiệt tình, gần gũi với trẻ.
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 12/7/2016 về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, bảo đảm kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự phát triển xã hội của tỉnh và đất nước.
Để việc dạy tiếng Việt cho trẻ đạt hiệu quả, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy học sinh vùng DTTS về các phương pháp, kỹ thuật dạy lớp có học sinh, trẻ mầm non DTTS. Từ đó, các thầy, cô xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với đối tượng trẻ. Ngành cũng tăng cường bổ sung tài liệu, học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phù hợp cho nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS, giúp các em làm quen với môi trường giàu tiếng Việt.
Với những giải pháp đó, đến nay, học sinh ở các trường mầm non vùng DTTS đều sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè; nhiều trẻ đã thể hiện được thế mạnh ngôn ngữ của mình và giành giải cao tại các hội thi giao lưu kể chuyện, đọc thơ bằng tiếng Việt. Kết thúc năm học 2018 – 2019 có 100% trường mầm non tổ chức học bán trú 2 buổi/ngày với 100% trẻ mầm non 5 tuổi được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1, qua đánh giá cuối năm có 99,9% số trẻ mầm non 5 tuổi được xếp loại đạt và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.
Ý kiến ()