Nâng cao kỹ năng nghề trong kỷ nguyên số
Bảo đảm việc làm gắn tăng cường kỹ năng cho người lao động thích ứng chuyển đổi số là một trong những chủ trương quan trọng, nhất là đối với một nước đang phát triển và có lực lượng lao động lớn như Việt Nam.
Ðội tuyển Việt Nam tham dự Cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online châu Á – Thái Bình Dương (2022). (Ảnh MINH THẮNG) |
Bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và cũng là yếu tố tác động, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, việc làm. Ðiều này đòi hỏi thị trường lao động trong nước phải có những giải pháp toàn diện như: Chính phủ thực thi chính sách linh hoạt, kịp thời và số hóa hình thức quản lý; doanh nghiệp thay đổi cách vận hành truyền thống và người lao động thích ứng phương thức làm việc mới, tăng cường kỹ năng, tay nghề để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội trên thị trường…
Xu hướng thị trường lao động
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, theo nghiên cứu của Manpower Group, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm khoảng 11,6% lực lượng lao động; lao động Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh hơn về trình độ kỹ năng so với một số thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines hay Malaysia. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng 2 triệu việc làm tại nước ta sẽ bị mất đi tính đến năm 2045…
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng 2 triệu việc làm tại Việt Nam sẽ bị mất đi tính đến năm 2045…
Tại Hội thảo Xu hướng thị trường lao động trong kỷ nguyên số, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng: “Sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất, kinh doanh như hiện nay đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động có trình độ kỹ năng còn nhiều hạn chế như Việt Nam. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta có thể phải chịu nhiều sức ép về việc giải quyết việc làm và đối mặt việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, vì Việt Nam có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao”.
Ðã có không ít lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động, đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp.
Chuyên gia việc làm của WB Nguyễn Thị Nga cho biết: Theo thống kê tại Việt Nam, 68% số công việc hiện đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản, trong khi đó, một phần năm số công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Bên cạnh đó, việc sử dụng kỹ năng số ở các mức độ khác nhau tại Việt Nam cũng có sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, WB cũng có những nhận định tích cực khi cho rằng, số việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều gấp bảy lần so với số việc làm bị mất đi.
Ðến năm 2045, ước tính có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại và một số ở lĩnh vực sản xuất. WB cũng cảnh báo điều này phụ thuộc vào thực tế lực lượng lao động trong nước có đủ kỹ năng phù hợp thông qua các nền tảng số hay không, trong bối cảnh nguy cơ mất đi các việc làm truyền thống có thể xảy ra ngay lập tức.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động dưới tác động của chuyển đổi số cũng là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Kết quả khảo sát trực tuyến của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, một tỷ lệ rất nhỏ người được hỏi (chỉ khoảng 20%) trong số những người lao động làm việc trên nền tảng số cho biết, họ được bảo hiểm về thương tật, thất nghiệp, hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp hưu trí tuổi già (bao gồm cả chương trình hưu trí công và tư)… Ðiều đó cho thấy, phải có các giải pháp toàn diện để bảo đảm việc làm, tăng cường kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi.
Nâng cao kỹ năng nghề thích ứng chuyển đổi số
Ðể phát triển thị trường lao động thích ứng quá trình chuyển đổi số, trong những năm qua, ngành lao động-thương binh và xã hội đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước; trong đó, ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới. Kết quả đạt được từ những giải pháp nêu trên đã giúp tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên từng bước được cải thiện, khi năm 2019 tỷ lệ này là 22,37% và đến năm 2022 đạt tỷ lệ 26,2%…
Trước yêu cầu của thực tế, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2222/QÐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Yêu cầu tăng nhanh về số lượng đào tạo, đồng thời bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn tới, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng chia sẻ: Việt Nam hiện có 56 triệu người trong độ tuổi lao động; nhưng quy mô đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đáp ứng tỷ trọng còn rất thấp (khoảng 2,2 triệu người/năm)… Mỗi năm cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hàng triệu người lao động. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế tự chủ và cạnh tranh càng gia tăng; nhất là tác động của đại dịch Covid-19; hệ thống giáo dục nghề nghiệp đứng trước đòi hỏi khẩn trương áp dụng chuyển đổi số, nhằm nâng cao tính mở và linh hoạt, khả năng thích nghi và đáp ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động. Muốn vậy, phải thiết kế, xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân, nhất là nhu cầu phát triển kỹ năng của người đang tham gia vào thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Trước yêu cầu của thực tế, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2222/QÐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp được phê duyệt với mục tiêu chung nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp; tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sau gần một năm triển khai, có thể thấy, tất cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực, như: Tại Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, một tiết học giờ đây có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Những bài giảng được các giáo viên của nhà trường linh hoạt thiết kế để tạo nên thư viện học liệu số cho sinh viên.Ðiều này giúp người học có thể trải nghiệm những giờ học thực hành từ xa, nhưng vẫn nắm được các quy trình vận hành máy móc ngay trên máy tính…
Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, Trần Văn Thực chia sẻ: “Nhà trường áp dụng chuyển đổi số để kết nối các doanh nghiệp, thường xuyên có các phiếu khảo sát gửi đến doanh nghiệp, để biết nhu cầu tuyển dụng của họ; đồng thời nhận thức được vấn đề nhà trường còn thiếu, còn yếu để điều chỉnh phương án tuyển sinh và đào tạo; nâng cao khả năng thích ứng của nhà trường cũng như khả năng đáp ứng của sinh viên sau khi ra trường…”.
Tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, thời gian qua các nguồn lực đã được tập trung cho chuyển đổi số, các hạng mục đầu tư đều hướng tới sự phát triển của trường, đặt lợi ích và quyền lợi học sinh, sinh viên lên hàng đầu. Hiệu trưởng nhà trường Ðồng Văn Ngọc cho biết: Trường chọn giải pháp nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, có ba hệ sinh thái đang được thực hiện và sẽ dần hoàn thiện trong những năm tiếp theo: Hệ sinh thái tuyển sinh, hệ sinh thái đào tạo trực tuyến và hệ sinh thái kết hợp nhà trường và doanh nghiệp. Ðây là những hệ sinh thái áp dụng công nghệ số, giải quyết các khâu theo chuỗi từ công tác tư vấn tuyển sinh, giải quyết nguồn tuyển đầu vào đến đầu ra, tìm kiếm việc làm cho sinh viên. Cùng với đó là những kế hoạch xây dựng tài nguyên số, học liệu số, cơ sở dữ liệu số, đào tạo số…
Theo Nhandan
Ý kiến ()