Nâng cao kỹ năng làm bài cho học sinh
Chúng tôi tới Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đúng lúc các em học sinh vừa hoàn thành xong bài thi thử tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Chia sẻ về bài thi, em Đỗ Thị Thêu, học sinh lớp 12A3 cho biết: Đề thi thử sáng nay có hai phần: Đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu đưa ra một tình huống trong một câu chuyện ở trên báo và yêu cầu trả lời, giải thích ý nghĩa của câu chuyện này. Kiểu đề thi này giờ em mới gặp cho nên làm bài cũng không tốt lắm. Với phần làm văn, nói về cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông Hương trong bài ký Ai đã đặt tên cho dòng sông?của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì em làm khá tốt.
Kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần, cho nên chuyện ôn tập như thế nào cho hiệu quả không chỉ học sinh mà các nhà trường cũng luôn trăn trở. Cô giáo Nguyễn Thị Lợi, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Tam Dương II (Vĩnh Phúc) chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch ôn tập cho học sinh, banđầu một tuần hai tiết, giờ là bốn tiết ôn tập. Nhằm giúp các em ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp hiệu quả, nhà trường luôn bám sát hướng dẫn ôn tập môn Ngữ văn của Bộ GD và ĐT, từ đó căn cứ tình hình thực tế lớp học để triển khai. Như để làm tốt phần đọc hiểu, chúng tôi đã giúp các em nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực học sinh để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu. Để làm tốt phần thi viết, chúng tôi đã hướng dẫn học sinh cách vận dụng những kỹ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở và tích hợp trong môn và liên môn… Nhìn chung, đối với học sinh khối các môn tự nhiên, phần đọc hiểu có phần hạn chế; học sinh ở khối môn xã hội thì khá hơn về kỹ năng viết. Riêng học sinh khối đại trà yếu cả hai kỹ năng, chúng tôi vừa dạy vừa “dỗ” học sinh đọc văn bản nhưng các em vẫn lười đọc.
Thầy giáo Dương Văn Bảng, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Dương II cho biết: Năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT có điểm mới là thi hai môn bắt buộc và hai môn do thí sinh tự chọn cho nên công tác quản lý, điều hành, hướng dẫn học sinh ôn tập cũng có nhiều thay đổi. Đáng chú ý, trong các môn học có liên quan đến kỳ thi, môn Ngữ văn được Bộ GD và ĐT hướng dẫn cụ thể về nội dung đề thi cũng như cách tính điểm. Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ được kết hợp theo trọng số 50% là điểm trung bình bốn môn thi và 50% là điểm trung bình kết quả học tập năm học lớp 12. Đến thời điểm này, nhà trường đã tổ chức được hai đợt thi thử tốt nghiệp. Kết quả cho thấy, hơn 95% số học sinh đạt kết quả tốt nghiệp. Bài học từ các đợt thi thử cho thấy, học sinh từ học đều các môn chuyển dần sang các môn theo khối thi đại học.
Cũng giống như môn Ngữ văn, môn Địa lý cũng được học sinh và các nhà trường đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội chia sẻ: Để làm tốt bài thi môn học này, học sinh cần ôn tập các nội dung trọng tâm về địa lý tự nhiên, dân cư, xã hội, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Tránh học tủ, học lệch. Phải rèn kỹ năng đọc, viết, nhận xét về biển, đảo, bảo đảm chính xác, trực quan, đầy đủ, ngắn gọn. Thực tế cho thấy, bộ môn Địa lý gắn liền với việc phát triển đất nước, học sinh phải có kỹ năng sử dụng Át-lát so sánh sự phát triển các ngành kinh tế, các vùng kinh tế để thấy được thế mạnh trong thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, với vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ, học sinh phải nắm vững, hiểu rõ ý nghĩa của biển, đảo, ý nghĩa phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ vững chủ quyền biển, đảo…
So với các môn xã hội, môn Lịch sử năm nay cũng được nhiều học sinh và xã hội quan tâm. Điều mà cả xã hội quan tâm về môn học này không chỉ có ít thí sinh chọn thi mà còn là trăn trở làm thế nào để học sinh yêu, thích và thi môn Lịch sử đạt kết quả cao. Chia sẻ về cách ôn tập môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thức, Trường THPT Việt Đức cho biết: So với mọi năm, năm nay kiến thức về lịch sử của học sinh được đánh giá là trung bình. Những năm trước, nhà trường có nhiều học sinh đoạt giải môn Lịch sử cấp thành phố, nhiều em thi được điểm tám, chín ở một số trường đại học. Cách thức ôn tập cho học sinh năm nay về cơ bản vẫn như mọi năm. Thường, đề thi tốt nghiệp nằm trong chương trình lớp 12. Năm nay chúng tôi yêu cầu các em vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bài thi đều có hai phần, lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Phần lịch sử Việt Nam chúng tôi dạy cho các em nhận biết cách người ta hỏi đề. Thí dụ, người ta hỏi giai đoạn nào thì các em phải biết phân chia giai đoạn. Điều quan trọng, mỗi một giai đoạn lịch sử các em phải nhớ được mốc thời gian và ý nghĩa của nó. Để nắm được tổng quát, chi tiết lịch sử, yêu cầu số một vẫn là đọc nhiều, học theo nhóm và viết liệt kê ý, sự kiện một cách lô-gíc, khoa học.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD và ĐT cơ bản giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và đỡ tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, đây là năm đầu triển khai cho nên nhà trường còn lúng túng khi thực hiện. Riêng môn Ngữ văn do đổi mới mạnh nhất về cách dạy và học, cho nên một số giáo viên lo lắng, học sinh hoang mang khi làm bài. Nhà trường đã hoàn thành chương trình lớp 12 từ cuối tháng 4. Các em đăng ký môn tự chọn cũng rất đa dạng, môn nhiều, môn ít. Do đó, để bảo đảm kế hoạch ôn tập, nhà trường không tổ chức ôn theo môn mà tổ chức ôn theo lớp trong giờ chính khóa. Buổi chiều, nếu học sinh có nguyện vọng ôn theo môn, nhà trường vẫn bố trí giáo viên tổ chức dạy không thu tiền.
Ý kiến ()