Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cần sự nỗ lực từ cả ngân hàng và doanh nghiệp
Ngày 28/7 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cho rằng, vốn luôn là điểm nghẽn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay tại ngân hàng với các doanh nghiệp này vẫn chưa có được nhiều thuận lợi.
Theo báo cáo của VAFIE, trong giai đoạn 2000-2015, hằng năm có 60.000 doanh nghiệp tư nhân ra đời, thu hút được hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư. Tuy nhiên, chỉ 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Trong khi đó, những chính sách hỗ trợ về vốn đổi với DNNVV vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa có ưu đãi cụ thể, nhiều chính sách chỉ dừng ở những quy định chung chung. Cả nước hiện mới có 8 vườn ươm doanh nghiệp, 21 quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương… còn quá ít so với số lượng doanh nghiệp hiện nay.
Việc tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV còn gặp khó khăn do các ngân hàng luôn yêu cầu về tài sản thế chấp, độ uy tín của doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, đại diện doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ & xây lắp dầu khí chia sẻ, các doanh nghiệp đã phải tự giải quyết vấn đề về vốn như: huy động vốn từ các cổ đông, từ gia đình, họ hàng… với lãi suất tương đương ngân hàng mà lại không cần tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, bà Hường cho rằng việc tiếp cận tín dụng không phải là “bất khả thi” nếu DNNVV biết tận dụng cơ hội và đáp ứng được những tiêu chí để ngân hàng tăng độ tín nhiệm và tin cậy.
Nói về kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, Công ty luôn cần một khoản vốn vay bổ sung cho vốn lưu động, chiếm khoảng 30-35% tổng nguồn vốn. Vì thế, để được ngân hàng chấp thuận, Công ty luôn đặt ra một kế hoạch kinh doanh cụ thể, tiên lượng được hiệu quả dự án, chứng minh được sự luân chuyển của dòng tiền, hồ sơ tài chính minh bạch… nhưng vẫn cần tài sản thế chấp.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, DNNVV có thể sử dụng các động sản để làm tài sản thế chấp như: hợp đồng mua bán, các khoản phải thu, vận đơn, chứng khoán, trái phiếu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hiệu rõ hoạt động kinh doanh, chứng minh tình trang sức khỏe tài chính và phải biết cách thuyết phục ngân hàng đồng ý cấp tín dụng.
Về phía ngân hàng, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, để tăng khả năng kết nối tín dụng với doanh nghiệp, HDBank đã kết nối với các hiệp hội, tổ chức để xây dựng chương trình riêng cho từng nhóm khách hàng, cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói, chú trọng vào tài sản đảm bảo là dòng tiền… Đặc biệt, HDBank đang từng bước đơn giản hóa thủ tục và quy trình để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn. Nhìn chung, việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn cần sự nỗ lực và thay đổi từ cả ngân hàng và doanh nghiệp..
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()