Nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam
“Ngành mía đường đang ở tình trạng sản xuất cung vượt cầu, nếu không nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước có lợi thế trong thời gian tới, đặc biệt khi thời điểm cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập ngày càng đến gần. Bởi vậy, giá thành sản phẩm phải bằng hoặc thấp hơn; đồng thời phải cạnh tranh từ các khâu nguyên liệu, trồng trọt, giống,...”.
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tại Hội nghị biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam tổ chức sáng 18/5, tại Hà Nội.
|
Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: BT) |
Từng bước cơ giới hóa khâu làm đất trong sản xuất mía
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm gần đây, do giá đường và giá mía khá cao nên diện tích và năng suất mía luôn tăng, từ 271.400 ha năm 2010 lên 305.000 ha năm 2014, năng suất tăng từ 60,5 tấn/ha lên 65,3 tấn/ha năm 2014.
Hiện nay, tổng diện tích mía cả nước đạt khoảng 305.000 ha, trong đó vùng mía tập trung phục vụ cho chế biến công nghiệp với diện tích 293.100ha. Năng suất mía bình quân trên cả nước ước đạt 65,3 tấn/ha, tăng 0,6 tấn/ha với năm trước.Tổng sản lượng ước đạt 20 triệu tấn tương đương vụ trước; sản lượng mía được ép để chế biến đường khoảng 16 triệu tấn. Tiêu hao nguyên liệu trong chế biến khoảng 10 mía/1 đường.
Về công tác giống, những năm gần đây, công giống mía được các công ty mía đường và người sản xuất quan tâm; hàng trăm giống mía có triển vọng đã được nhập về khảo nghiệm và phát triển ở Việt Nam. Phía Bắc chủ yếu sử dụng các giống mía có nguồn gốc từ Trung Quốc, phía Nam chủ yếu sử dụng các giống có nguồn gốc từ Thái Lan, Pháp và Philippines.
Bên cạnh đó, những vùng mía tập trung có điều kiện thuận lợi, hầu hết đã được cơ giới hóa khâu làm đất. Từng bước hình thành dịch vụ cơ giới hóa trong làm đất, chăm sóc mía ngày càng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, một số nơi thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng nguyên liệu của các công ty mía đường tại Gia Lai, Thanh Hóa, Tuyên Quang… đã nhận được sự hỗ trợ của các công ty mía đường trong các loại máy móc thiết bị công suất lớn, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, ngành mía đường Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và cạnh tranh, trong đó đã có được vùng nguyên liệu tập trung gắn kết tương đối chặt chẽ với các nhà máy thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Đồng thời, thị trường nội địa trên 90 triệu người, mức tiêu thụ hàng năm hiện nay khoảng trên 1,4 triệu tấn và tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới do sự phát triển của công nghiệp chế biến thực phẩm. Thực tế hiện nay, nếu chống buôn lậu có hiệu quả, giữ dược giá đường trong nước bằng giá đường nội địa của các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc thì kết quả sản xuất của các nhà máy đường và nông dân trồng mía của Việt Nam có thể đạt hiệu quả cao.
Nhiều thách thức cho ngành mía đường Việt Nam
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, bên cạnh những thuận lợi mang lại, việc mở cửa thực hiện cam kết các Hiệp định Thương mại tự do sẽ tạo nhiều thách thức lớn cho ngành mía đường khi phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều nước có lợi thế. Đồng thời, quá trình hội nhập kinh tế sẽ tạo sự cạnh tranh rất quyết liệt cho các doanh nghiệp không những trên thị trường thế giới mà còn ngay tại trong nước. Tuy nhiên, một số nhà máy đường chưa thực sự tìm hiểu, đánh giá về các thách thức và có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
Bên cạnh đó, qua theo dõi của các cơ quan quản lý Nhà nước, mức tiêu thụ đường trong nước ở mức trên 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đường nhập lậu, số lượng đường các nhà máy cung ứng cho 5 năm vừa qua chỉ từ 1,1 – 1,2 triệu tấn/năm. Ba năm gần đây, do lượng đường sản xuất và tồn kho nhiều, giá đường liên tục giảm.
Hiện nay, sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam còn yếu. Nguyên nhân do giá mía nguyên liệu cao (giá nguyên liệu mía chiếm từ 70-80% giá thành sản xuất đường). Điều này xuất phát từ việc do ruộng đất sản xuất nước ta còn manh mún, hạ tầng cơ sở yếu kém; việc áp dụng cơ giới hóa, tưới và các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt rất hạn chế. Năng suất, chất lượng mía thấp và chậm cải tiến, chi phí vận chuyển cao.
Mặt khác, về công nghiệp chế biến, hiện nay, số nhà máy lớn sản xuất đường Việt Nam mới chiếm 1/3 tổng công suất cả nước, còn phần lớn nhà máy ở mức trung bình, một số ít nhà máy có công suất thấp còn giữ thiết bị cũ. Công suất bình quân của các nhà máy đường Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các nước sản xuất đường lớn nên hiệu quả sản xuất thấp hơn.
Thêm vào đó, quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được các doanh nghiệp quan tâm để tạo nên mối quan hệ hữu cơ gắn bó. Ngoài một số doanh nghiệp có ký kết hợp đồng với các hộ tiêu thụ lớn, còn lại đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường. Việc xuất, nhập khẩu đường vẫn theo cơ chế xin cho nên hạn chế sự năng động và tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan chủ yếu là đường trắng, trong khi năng lực chế biến đường trong nước đang thừa công suất. Đường lậu hoành hành với số lượng lớn nhưng không có cơ sở pháp lý thiết thực chống việc kinh doanh đường nhập lậu.
Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, tạo điều kiện cho ngành mía đường Việt Nam tiếp tục phát triển, tại Hội nghị, các đại biểu kiến nghị một số giải pháp thiết thực cần tập trung thực hiện. Trước hết, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, vùng nguyên liệu cần đáp ứng công suất nhà máy, đảm bảo yêu cầu áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và cơ giới hóa nhằm nâng nhanh năng suất, chất lượng mía. Quy hoạch phát triển theo hướng chuyển đối giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng trồng lúa kém hiệu quả. Quy hoạch phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh để có thể thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo nên các cánh dồng mía lớn.
Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa các phế, phụ phẩm của ngành đường để sản xuất các phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, thực hiện tốt hai sản phẩm: phân vi sinh từ bã bùn và điện từ bã mía. Đồng thời, hiện nay, các nhà máy có trình độ công nghệ, thiết bị ở mức trung bình, lạc hậu vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh các nhà máy cần tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng các thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về đào tạo nguồn nhân lực, cần tổ chức bồi dưỡng kỹ năng quản trị, nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản nói chung và chế biến đường mía nói riêng. Hỗ trợ các nhà máy đường trong việc đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.
Thêm vào đó, công tác thủy lợi cho cây mía cần được quan tâm thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước; tranh thủ các nguồn vốn và tận dụng địa hình để xây dựng hệ thống hồ đập chứa nước, kênh mương dẫn nước; tận dụng đầu tư sử dụng nguồn nước từ giếng, ao hồ,…
Ngoài ra, hàng năm, Hiệp hội Mía đường cần thống nhất phương án giá cả mua trong cả nước đảm bảo người trồng mía có thu nhập đủ để ổn định diện tích mía; bổ sung thêm thành phần nông dân đại diện cho người trồng mía trong Hiệp hội Mía đường.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()