Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận
LSO-Công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Nhờ đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh giành thắng lợi trong kháng chiến cứu nước và đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
LSO-Công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Nhờ đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh giành thắng lợi trong kháng chiến cứu nước và đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, công tác dân vận hiện nay vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, đòi hỏi không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Khu nhà ở chính sách xã hội thành phố Lạng Sơn khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống cho nhân dân – Ảnh: B.T |
Trong thời gian qua, hệ thống Dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng và các ngành chức năng triển khai tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, mục đích, vai trò, tác dụng của việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020” đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Ở cấp tỉnh, các phong trào thi đua dân vận khéo do các tổ chức đoàn thể phát động như: Hội Liên hiệp phụ nữ đẩy mạnh xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và mô hình “Phụ nữ tự trọng, tự tin, trung hậu, đảm đang”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” và mô hình “Khu dân cư không có người mắc các tệ nạn xã hội”; Hội Nông dân với phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Đoàn thanh niên với phong trào “5 xung kích tình nguyện phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và mô hình “Làm tốt công tác củng cố, kiện toàn, phát triển đoàn viên, hội viên”, “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”…; Liên đoàn Lao động với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Hội Chữ thập đỏ với các phong trào “Áo ấm cho đồng bào vùng sâu, vùng cao”, “Hiến máu tình nguyện”… Ở cấp huyện, Đảng bộ Công an các huyện với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đảng bộ Trung tâm y tế các huyện phát động phong trào cán bộ y tế làm theo lời Bác trong công tác khám chữa bệnh và sử dụng thuốc; Liên đoàn Lao động các huyện với mô hình “Xây dựng cơ quan văn hoá, đơn vị an toàn”…Ở cấp cơ sở, các chi bộ thôn, bản với mô hình “xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh”, chỉ đạo “Xây dựng nếp sống văn hoá mới”. Khối Dân vận xã với mô hình “Thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ”. Thông qua các phong trào thi đua và mô hình dân vận đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa, đường bê tông nông thôn… như: ông Đặng Văn Hiển, Đặng Hữu Hinh (xã Ái Quốc), ông Hứa Văn Phương (xã Như Khuê), ông Bế Văn Thao, Hà Văn Đèo (xã Sàn Viên) của huyện Lộc Bình… Các tập thể, cá nhân tiêu biểu cho những mô hình hoạt động là những biểu hiện sinh động của việc học tập và làm theo tư tưởng, phương pháp, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Các mô hình đó đã và đang góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong việc thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tăng và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.
Hệ thống dân vận các cấp đã thường xuyên được kiện toàn, củng cố (các đơn vị huyện Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình…trước đây chưa có đủ biên chế, nay đã được bổ sung đủ) đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác dân vận. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, mở rộng hình thức tập hợp nhân dân, hướng các hoạt động về cơ sở, qua đó đã tập hợp, vận động, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, đã đem lại kết quả góp phần đáng kể trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác dân vận trong thời gian qua cũng còn bộc lộ những mặt hạn chế như: Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị còn thiếu chặt chẽ, có lúc, có nơi còn “khoán trắng” cho khối Mặt trận, đoàn thể dẫn đến hiệu quả của công tác vận động quần chúng chưa cao. Một số nơi, tổ chức đảng, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở còn yếu kém, giảm sút vai trò lãnh đạo, không sát dân, không nắm được tình hình nhân dân, không đủ sức tuyên truyền vận động nhân dân, giải quyết những bức xúc của nhân dân để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, phức tạp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng bộ máy, bố trí cán bộ làm tham mưu về công tác dân vận; cán bộ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng của Mặt trận và các đoàn thể chưa được quan tâm thỏa đáng, chắp vá, hạn chế đến tính chuyên nghiệp, nghiệp vụ và phương pháp công tác dân vận chưa cao, chưa ngang tầm với yêu cầu đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quần chúng. Nội dung, phương thức tổ chức, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể còn chậm đổi mới về cả nội dung và cách thức tập hợp quần chúng, hành chính hóa, một số phong trào còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức nhà nước chưa được khắc phục triệt để, làm ảnh hưởng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, cũng như niềm tin của nhân dân đối với Đảng…
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới, một trong những yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định là công tác cán bộ. Trước hết cần kiện toàn bộ máy tổ chức Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, để có được một đội ngũ cán bộ vững về lý luận, giỏi về phương pháp, chắc về nghiệp vụ và nhiệt tình làm công tác dân vận. Do đòi hỏi người cán bộ dân vận phải có quá trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên bám sát cơ sở để trải nghiệm…; các cấp ủy đảng cần tiếp tục quán triệt, làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Trước hết cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nắm vững quan điểm quần chúng của Đảng, biết nghiệp vụ công tác vận động quần chúng, biết lắng nghe, tôn trọng và dân chủ với dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hướng các hoạt động về cơ sở, sâu sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, hợp tình hợp lý. Người làm công tác vận động quần chúng phải gương mẫu, nói đi đôi với làm (người cán bộ dân vận “chân đi, miệng nói, tay làm”) có như thế mới tạo được niềm tin trong dân, mới phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, chung tay góp sức cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đúng như Bác Hồ đã dạy: “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân khống để sót người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho” và “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
TRIỆU KHÉ
Ý kiến ()