Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND
Ngày 15-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng, phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII; thảo luận báo cáo giám sát của Ủy ban TVQH về kết quả giám sát hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại phiên họp, lãnh đạo Văn phòng QH kiến nghị QH xem xét, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp; bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND. Báo cáo của Văn phòng QH cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định về quy trình, thủ tục bầu và phê chuẩn nhân sự này. Về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến kỳ họp tới QH sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật và ba dự thảo nghị quyết, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng. Ngoài ra, QH sẽ cho ý kiến 11 dự án luật khác.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra trong 31 ngày. Đây là kỳ họp có khối lượng lớn các dự án luật trình QH để góp phần hoàn thành cơ bản việc sửa đổi khung pháp lý về hoạt động tư pháp; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ xã hội, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và cụ thể hóa các quyền hiến định của con người, của công dân. Đối với các dự án trình QH xem xét, thông qua, đến nay Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về 15 dự án luật tại phiên họp thứ 40, trong đó có tám dự án luật được gửi xin ý kiến các vị đại biểu QH, Đoàn đại biểu QH. Các dự án còn lại đang được tích cực hoàn thiện.
Các đại biểu đã nghe báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban TVQH về kết quả giám sát hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thời gian qua với nhiều đổi mới, nhất là công tác giám sát giữa hai kỳ họp. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế địa phương, theo đề nghị của đại biểu, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình giám sát trên các lĩnh vực, chủ động điều hòa, phối hợp giám sát của thường trực và các Ban của HĐND, tránh trùng lắp về nội dung, đối tượng và thời gian giám sát; nội dung tập trung vào việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND về những vấn đề cử tri quan tâm, những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực.
Ý kiến thảo luận tại Ủy ban TVQH nhất trí với đánh giá của Đoàn giám sát, cho rằng chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn ở một số địa phương chưa thật sự đổi mới. Số đại biểu HĐND tham gia chất vấn không nhiều và thường tập trung vào số ít đại biểu chuyên trách; nội dung trả lời chất vấn của một số người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND, chủ yếu là giải trình đối với những hạn chế của ngành hoặc lĩnh vực mình phụ trách, chưa đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể. Trong nhiều trường hợp, hoạt động giám sát chỉ ở mức độ phát hiện, phân tích vấn đề. Một số nội dung kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, kịp thời, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa cao… Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa được HĐND xem xét ban hành nghị quyết một cách thường xuyên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Quyền và một số đại biểu đề nghị, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa tính dân chủ đại diện của HĐND, thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri, làm tốt chức năng giám sát của HĐND, từ đó làm rõ trách nhiệm của các đối tượng chịu giám sát, nâng cao trách nhiệm và chất lượng của đại biểu.
Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp đồng ý với ý kiến của lãnh đạo Viện KSND tối cao, TAND tối cao không tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh về đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, vì cho rằng hiện nay đã có chủ trương cho các cơ sở đào tạo của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được đào tạo cán bộ cho ngành mình.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()