Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên là yêu cầu cấp thiết
Những năm qua, thu hút đầu tư xã hội vào Tây Nguyên đã tăng nhanh, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn có bước phát triển mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển các mặt, đặc biệt là đời sống người dân tại đây được cải thiện; tuy nhiên, so với yêu cầu, việc đầu tư cho Tây Nguyên vẫn chưa thực sự đáp ứng, thiếu bền vững.
Đó là khẳng định của đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng vào cuối tuần qua. Đồng chí Trần Đại Quang cho rằng, trong bối cảnh nền ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên là yêu cầu cấp thiết để Tây Nguyên phát triển nhanh, đồng bộ, bền vững. Đồng chí cho biết: Mặc dù Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế, song kết quả thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế. Thu hút đầu tư nước ngoài ít, chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực kinh tế mạnh tham gia đầu tư vào các dự án lớn, vào các khu công nghiệp, đô thị, các dự án phát triển hạ tầng của vùng.
Trong khi đó, tình trạng thiếu vốn xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường còn ở mức thấp; kết cấu hạ tầng giao thông chậm được cải thiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung tại đây và đang là vấn đề cần được quan tâm.
Cây mắc ca – một loại cây cho giá trị kinh tế cao |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các lợi thế về xuất khẩu nông sản của Tây Nguyên tuy được nhắc đến nhiều nhưng thực sự vẫn chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả. Hầu hết sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị kinh tế thấp. Tỉ lệ hộ nghèo cao, thu nhập và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. So với mặt bằng chung của cả nước, Tây Nguyên vẫn là một trong những khu vực chậm phát triển về kinh tế- xã hội.
Chia sẻ những đánh giá trên với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ cấu vốn đầu tư vào Tây Nguyên hiện nay chưa hợp lý, chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn BT, BOT, việc thu hút vốn ODA, FDI và đầu tư của doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước. Nguyên nhân là do hạ tầng kinh tế- xã hội ở Tây Nguyên, nhất là giao thông còn hạn chế; thiếu nguồn lao động có trình độ cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm…
Mặt khác, hiệu quả công tác vận động xúc tiến đầu tư vốn ODA và FDI chưa hiệu quả, hoạt động xúc tiến đầu tư còn dàn trải, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm; chưa có sự thống nhất về điều phối để đảm bảo sự tập trung thực hiện đúng mục tiêu thu hút ODA và FDI từng địa bàn, từng đối tác.
Trước thực trạng trên, đồng chí Trần Đại Quang cho rằng, việc nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên là yêu cầu cấp thiết. Để Tây Nguyên phát triển nhanh, đồng bộ, bền vững, cần có sự quan tâm về chính sách và nguồn lực của nhà nước, sự liên kết phát triển vùng, sự đầu tư hỗ trợ kịp thời các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của toàn Vùng. Đến năm 2020, việc xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên cần tập trung khuyến khích ưu tiên thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính, phát triển các tuyến đường ngang, hành lang kinh tế Đông Tây để nối với các vùng xung quanh và các nước lân cận.
Song song đó, các địa bàn Tây Nguyên cũng đang rất cần các nguồn vốn đầu tư để nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi. Trong đó, ưu tiên thủy lợi vừa và nhỏ để cấp nước tưới và sinh hoạt, kết hợp phát triển thủy điện chống lũ, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường sinh thái cũng như đầu tư cho các công trình cung cấp nước sạch ở các TP, thị xã, thị trấn và khu vực nông thôn nơi đông dân cư là vấn đề hết sức quan trọng, bức xúc. Cạnh đó, các nhà đầu tư khi đến Tây Nguyên nên tiếp tục quan tâm thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, mở rộng các đô thị gắn với nâng cấp công trình hạ tầng đô thị, từng bước đô thị hóa các vùng lân cận và nông thôn.
Cùng với những vấn đề bức xúc trên, trong thời gian tới, theo đồng chí Trần Đại Quang, việc thu hút đầu tư vào Tây Nguyên nên tập trung đầu tư vào phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn; quan tâm đầu tư một số ngành chủ yếu như chế biến nông lâm sản, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng và khai khoáng; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp chế biến có điều kiện tập trung đầu tư quy mô lớn như cà phê, cao su, điều, bông, chè, sữa…với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp chế biến trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng.
Đối với các khu kinh tế cửa khẩu biên giới với nước bạn Lào và Campuchia, Tây Nguyên nên chủ động tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại vùng biên giới. Thông qua đó để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch sinh thái, rừng núi, hang động, thác, hồ nước và văn hóa truyền thống bản địa gắn với văn hóa miền biển Nam Trung bộ. Đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở phát huy giá trị du lịch của Đà Lạt, Buôn Đôn (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum)…
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 này, |
Ngoài ra, để đảm bảo cho phát triển bền vững, một yêu cầu khác là Tây Nguyên phải có chính sách thu hút đầu tư phát triển các ngành dịch vụ mà hiện tại đây đang còn yếu như giao thông, vận tải, bưu chính, viễn thông, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời chú trọng củng cố cơ sở thu mua hàng xuất khẩu, chú ý mặt hàng truyền thống, chế biến nguyên liệu tại chỗ…
Song song với thu hút các nguồn vốn, theo nhiều đại biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3, công nghệ cũng là vấn đề có ý nghĩa sống còn để phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn tới. Nhiều đại biểu cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên nên quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư, đồng thời nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cạnh đó, ngành Ngân hàng nên có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn thực hiện các chương trình phát triển, trong đó có việc tái canh cây cà phê, trồng mới cây mắc ca, chăn nuôi gia súc, gia cầm… tại Tây Nguyên.
Khẳng định với các đại biểu tại Hội nghị về vấn đề trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, phát huy có hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương trong khu vực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị – xã hội Tây Nguyên.
Có thể nói, với những vấn đề mà Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 diễn ra tại Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa qua không chỉ là vấn đề thời sự, mang tính cấp thiết của chính quyền, nhân dân các tỉnh Tây Nguyên mà còn là xung lực mới để nâng cao trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào Tây Nguyên. Hy vọng, sau những bàn thảo này, một nguồn lực mới về đầu tư vào Tây Nguyên sẽ được diễn ra mạnh mẽ, góp phần đưa mảnh đất Tây Nguyên đi lên, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()