Nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã
Thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép động vật hoang dã vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất, mức độ tinh vi, xảo quyệt, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành, các cấp…
Theo các cơ quan có liên quan, các hoạt động phạm pháp, nhằm cung cấp động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã cho các đường dây tiêu thụ trong nước và trung chuyển ra nước ngoài vẫn còn diễn ra phức tạp. Trong đó, có nhiều vụ việc khá nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ vi phạm của các đối tượng.
Nhiều vụ vi phạm vẫn xảy ra
Mới đây, ngày 3/3, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa ra xét xử đối tượng Nguyễn Văn Hiền (trú tại xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) và tuyên phạt đối tượng 7 năm tù giam về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngày 27/1, Tòa án nhân dân huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) tuyên phạt đối tượng Trần Văn Ngọc (trú tại xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei) với mức án 10 năm tù về hành vi vận chuyển trái phép 63 cá thể rùa đầu to. Trước đó ngày 18/6/2021, lực lượng công an đã phát hiện và tịch thu 63 cá thể rùa đầu to, với tổng khối lượng 19,6 kg, được cất giấu trong tám túi lưới cước trên một xe bán tải do đối tượng Trần Văn Ngọc điều khiển. Tất cả số lượng động vật hoang dã này đã được chuyển giao tới Vườn quốc gia Chư Mom Ray để cứu hộ và chăm sóc.
Hay ngày 8/1/2022, sau khi tiếp nhận tin báo từ cộng đồng và tiến hành điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng chuyên buôn bán động vật hoang dã tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu. Qua quá trình kiểm tra nhà riêng của đối tượng, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Tang vật thu giữ bao gồm: một cá thể rắn hổ mang chúa, một cá thể rắn hổ mang một mắt kính, 20 cá thể rùa hộp lưng đen, năm cá thể rùa núi vàng, một cá thể mèo rừng, cùng một cá thể trăn đất, cùng ba tủ đông lạnh chứa nhiều cá thể cheo cheo, nhím. Bên cạnh đó, tại nhà riêng đối tượng còn phát hiện năm bình rượu ngâm rắn hổ mang một mắt kính và năm chiếc móng gấu.
Nhằm tấn công mạnh mẽ các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã qua biên giới, lực lượng bảo vệ các tỉnh biên giới phía bắc thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực, triệt phá nhiều vụ án, bắt giữ các đối tượng vi phạm. Riêng tại tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian 5 năm vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý 11 vụ án có dấu hiệu hình sự về động vật hoang dã, trong đó nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử.
Đặc biệt, Lạng Sơn là địa phương đầu tiên trên cả nước xét xử thành công một vụ án có tang vật là cá ngựa – loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục II CITES thường xuyên bị quảng cáo, buôn bán tại Việt Nam. Trong đó, một đối tượng đã nhận mức án 4 năm tù cho hành vi vận chuyển trái phép 128kg cá ngựa vào tháng 2/2021. Bên cạnh đó, mức hình phạt cao nhất với tội phạm về động vật hoang dã từng được ghi nhận tại Lạng Sơn là mức án 10 năm tù cho đối tượng vận chuyển trái phép 21 cá thể voọc chà vá chân đen sấy khô. Đây cũng là một trong những mức hình phạt cao với tội phạm về động vật hoang dã từng được áp dụng tại Việt Nam.
Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 3.700 vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm tới 2.594 vụ việc, tiếp theo là gần 1.000 vụ việc liên quan tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và hơn 180 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã.
Trong số các loài động vật hoang dã bị quảng cáo trên các phương tiện thông tin, buôn bán, nuôi nhốt trái phép gồm: ngà voi (566 vụ), hổ (551 vụ), gấu (546 vụ), khỉ (267 vụ) và 70 vụ việc liên quan tê tê. Tình trạng vi phạm về động vật hoang dã trên internet vẫn có chiều hướng tăng mạnh với tính chất và mức độ phức tạp với 2.480 vụ, việc liên quan. Năm 2021, riêng đường dây nóng của ENV đã ghi nhận gần 2.500 vụ, việc do người dân thông báo, trong đó có hơn 1.800 vụ đã được xử lý thành công, các đối tượng vi phạm bị xử theo quy định pháp luật.
Nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm
Trong những năm vừa qua, Việt Nam ghi nhận hàng loạt các bản án lớn dành cho tội phạm về động vật hoang dã. Đặc biệt, một số đối tượng cầm đầu, hay còn gọi như các “ông trùm” buôn bán động vật hoang dã đã bị bắt giữ, khởi tố và phải nhận các mức án tù nghiêm khắc. Hoạt động bắt giữ, xử lý những kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn cùng với những bản án ngày càng nghiêm khắc với loại tội phạm này đã và đang góp phần triệt tiêu các đường dây buôn bán động vật hoang dã, phòng ngừa, răn đe và từ đó nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại hình tội phạm rất nghiêm trọng này.
Sự ra đời của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) là một bước tiến quan trọng và là động lực cho những thay đổi tích cực trong công tác xử lý tội phạm động vật hoang dã ở Việt Nam thời gian vừa qua. Trong đó, hơn 95% các vụ án hình sự liên quan động vật hoang dã phát hiện trong năm 2021 có đối tượng vi phạm bị bắt giữ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ được ghi nhận trong các năm trước.
Những bản án nghiêm khắc hơn 10 năm tù với các đối tượng tội phạm về động vật hoang dã cũng không còn xa lạ trong thời gian gần đây. Nhờ đó, tinh thần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép của các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã tạo nên những chuẩn mực mới trong cuộc chiến đẩy lùi tội phạm về động vật hoang dã thời gian vừa qua.
Hưởng ứng Ngày Thế giới bảo vệ động vật hoang dã 3/3, mới đây, ENV đã phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tọa đàm chuyên đề “Nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm về động vật hoang dã”. ENV đã đề xuất Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã tại Việt Nam, trong đó có loài hổ.
Trước mắt, cần ban hành một chính sách cá biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ trong đó có quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt nhằm bảo đảm duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn, cũng như xây dựng các cơ chế giám sát để bảo đảm các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép nào.
Về lâu dài, cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại, trong đó có các cơ sở nuôi nhốt hổ, nhằm bảo đảm hoạt động cho các cơ sở hợp pháp, đồng thời ngăn chặn hiệu quả việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc “cơ sở nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại” để thực hiện các hoạt động buôn bán trái pháp luật.
Để ngăn chặn hiệu quả nạn buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép động vật hoang dã, cần thiết phải hoàn thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời những bất cập trong các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã. Tăng cường thực thi pháp luật về công tác phòng, chống buôn bán trái pháp luật và bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã.
Các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với nhau theo chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành trong hoạt động thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán các loài hoang dã. Huy động các nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cộng đồng xã hội về giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã.
Bên cạnh đó, cần tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đối với những người sống gần các khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn, bắt các loài động vật hoang dã. Tuyên truyền, vận động người dân sống ở các vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài động vật, thực vật rừng, góp phần cùng các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ hiệu quả động vật hoang dã…
Ý kiến ()