Nâng cao hiệu quả vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa
Những người đại diện vốn Nhà nước được khen thưởng tại Hội nghị Người đại diện vốn Nhà nước năm 2011. Làm thế nào để bảo toàn và phát triển giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa (CPH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong quá trình tổng công ty thực hiện chức năng được giao là tiếp nhận, quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước sau CPH.Hiệu quả vốn nhà nước ngày càng tăngTính đến ngày 30-9-2012, SCIC đã tiếp nhận từ các bộ, ngành, địa phương phần vốn nhà nước tại 947 DN với tổng giá trị theo sổ sách kế toán là 7.600 tỷ đồng. Trong đó có 29 công ty TNHH một thành viên và 918 công ty cổ phần. Trong số các DN đã chuyển giao, có bốn tổng công ty 90 chuyển giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.So sánh từ thời điểm tiếp nhận đến ngày 31-12-2011, quy mô vốn nhà nước theo giá trị sổ sách của các doanh nghiệp đã tăng hơn...
Những người đại diện vốn Nhà nước được khen thưởng tại Hội nghị Người đại diện vốn Nhà nước năm 2011. |
Hiệu quả vốn nhà nước ngày càng tăng
Tính đến ngày 30-9-2012, SCIC đã tiếp nhận từ các bộ, ngành, địa phương phần vốn nhà nước tại 947 DN với tổng giá trị theo sổ sách kế toán là 7.600 tỷ đồng. Trong đó có 29 công ty TNHH một thành viên và 918 công ty cổ phần. Trong số các DN đã chuyển giao, có bốn tổng công ty 90 chuyển giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
So sánh từ thời điểm tiếp nhận đến ngày 31-12-2011, quy mô vốn nhà nước theo giá trị sổ sách của các doanh nghiệp đã tăng hơn 88%. Lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng đạt gấp hơn ba lần so với thời điểm tiếp nhận. Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân tăng từ mức 15,8% (thời điểm nhận bàn giao) lên 18,5% (ngày 31-12-2011).
Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Đạo, có được những tăng trưởng nói trên là nhờ SCIC đã chủ động phát huy vai trò cổ đông nhà nước. Thông qua hệ thống người đại diện, SCIC đã chủ động tham gia các Đại hội cổ đông; nghiên cứu, góp ý và biểu quyết các quyết định, các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp; tham gia mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước.
Thực hiện vai trò cổ đông năng động, SCIC còn chủ động triển khai các hoạt động tái cơ cấu đối với một số doanh nghiệp đặc biệt như: Vinaconex, Constrexim, Nhựa Tiền phong, Tổng công ty Điện tử tin học (VEIC), Bảo Minh, Vinamilk, Công ty cổ phần du lịch Kim Liên, Traphaco…; giúp doanh nghiệp tìm kiếm cổ đông chiến lược (Domesco; Bảo Minh; Vinare; Muối Ninh Thuận); hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vấn đề bất cập về quản trị, tài chính, đặc biệt là việc xử lý các khoản nợ xấu của doanh nghiệp như: Vinaconex; Xuất nhập khẩu Tổng hợp II; Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải…
Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Đạo nhấn mạnh, những việc đã làm được của SCIC có sự đóng góp rất lớn của hệ thống người đại diện. Tính đến ngày 30-9-2012, tổng công ty có 492 người đại diện tại các DN trên khắp cả nước. Trước đây, hầu hết người đại diện là công chức nhà nước quản lý doanh nghiệp và không có quy chế quy định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của người đại diện. Sau khi tiếp nhận vốn, SCIC đã xây dựng quy chế phối hợp giữa SCIC và người đại diện, đồng thời từng bước thay thế các cán bộ, công chức nhà nước bằng các cán bộ tại chính doanh nghiệp để tăng cường sự gắn kết và tận dụng năng lực, hiểu biết về doanh nghiệp của họ. Đối với một số doanh nghiệp đặc biệt quan trọng hoặc trong những trường hợp thật sự cần thiết, SCIC cử cán bộ của mình trực tiếp làm người đại diện, tham gia bộ máy lãnh đạo tại doanh nghiệp để sâu sát hơn doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống người đại diện, SCIC cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương (hiện đã ký 51 Quy chế phối hợp với các bộ, địa phương) để giải quyết những vấn đề liên quan chuyển giao, người đại diện, tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như hợp tác đầu tư phát triển trong lĩnh vực và địa bàn do bộ, địa phương quản lý. Tổng công ty cũng ký biên bản hợp tác với Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm kinh tế trong hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Có thể nói, thông qua mô hình hoạt động của SCIC, bước đầu đã thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết T.Ư 3 (khóa IX) về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn, từng bước hạn chế sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp.
Tích tụ và đầu tư
Bên cạnh việc củng cố, tái cơ cấu các doanh nghiệp tiếp nhận, SCIC đã từng bước thoái vốn nhà nước đang đầu tư ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, tập trung nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.
Tính đến ngày 30-9-2012, SCIC đã bán vốn nhà nước tại 568 doanh nghiệp (trong đó bán toàn bộ vốn nhà nước tại 513 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 53 doanh nghiệp) với giá trị sổ sách là 1.536 tỷ đồng, thu về 3.282 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình gấp 2,13 lần so với mệnh giá.
Theo Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Đạo, công tác bán vốn được SCIC thực hiện hiệu quả, bảo toàn và tăng thặng dư vốn với việc lựa chọn doanh nghiệp để bán vốn, lựa chọn thời điểm để bán; đồng thời, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp trong từng trường hợp, nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn.
Từ nguồn thu được từ bán vốn và lợi nhuận thu được qua các năm, SCIC đã tiến hành đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án thuộc ngành nghề lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Ngoài việc đầu tư hiện hữu khoảng 5.500 tỷ đồng (tăng vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ chi phối hoặc hoạt động có hiệu quả), SCIC đã trực tiếp đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, cảng biển… và tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp mới với số vốn hơn 3.500 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm ngày 30-9-2012, tổng công ty đã đầu tư với tổng giá trị theo sổ kế toán khoảng 13.900 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng, chênh lệch tăng hơn 26.000 tỷ đồng so với giá trị sổ sách.
Sau sáu năm hoạt động, các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của SCIC đều tăng trưởng với tốc độ khá. Tính đến ngày 30-9-2012, tổng tài sản của SCIC tăng hơn chín lần so với năm 2006 (từ 5.900 tỷ đồng lên hơn 54.000 tỷ đồng) do tăng vốn chủ sở hữu, tập trung đôn đốc thu nợ Quỹ Hỗ trợ sản xuất doanh nghiệp trung ương. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần bảy lần (từ 3.600 tỷ đồng lên hơn 25.000 tỷ đồng) do bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận tích lũy thông qua đầu tư kinh doanh, thặng dư bán vốn. Lợi nhuận sau thuế năm 2011 đạt hơn 2.900 tỷ đồng tăng gần 27 lần so với năm 2006. Chín tháng đầu năm 2012, lợi nhuận sau thuế hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm 2012, tăng 15% so cùng kỳ năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư tại SCIC năm 2011 đạt 17%. Với những đóng góp to lớn đó, SCIC đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Theo Nhandan
Ý kiến ()