Nâng cao hiệu quả vốn hỗ trợ sản xuất
LSO- Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn từng bước nhân rộng các mô hình.
Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng hỗ trợ các hộ trồng cây ăn quả xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích gần 3 ha. Lựa chọn kỹ càng, hỗ trợ đúng hướng, hệ thống tưới nhỏ giọt đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp nước tưới, đặc biệt cho diện tích na trái vụ trên địa bàn. Từ hiệu quả của mô hình điểm đó, một số hộ dân khác cũng chủ động tự đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả.
Bước sang năm 2018, khi mô hình hỗ trợ tưới nhỏ giọt được nhân rộng, để tiếp tục phát huy thế mạnh cây ăn quả, cũng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (350 triệu đồng), xã Chi Lăng hỗ trợ phân bón cho các hộ trồng cây ăn quả và nhãn mác bao bì sản phẩm. Cụ thể xã hỗ trợ trên 51,5 tấn phân bón cho 32 hộ dân và tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Qua đó không chỉ giúp người dân có thêm tư liệu sản xuất mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là quả na đặc sản của xã.
Giàn tưới nhỏ giọt của Hợp tác xã Dũng Tiến, huyện Tràng Định được lắp đặt từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất
Tương tự như xã Chi Lăng, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan cũng phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Ông Vi Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã rà soát, lựa chọn kỹ những mô hình vừa phát huy được lợi thế của xã, lại vừa đem lại hiệu quả kinh tế, có khả năng nhân rộng. Qua đó, năm 2018, xã đã hỗ trợ 12 hộ dân triển khai mô hình trồng cà gai leo. Điểm mới và cũng là bước chuyển trong phát triển sản xuất chính là 12 hộ tham gia dự án trồng cà gai leo đều liên kết với Hợp tác xã Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc. Cụ thể, hợp tác xã cung ứng cây giống và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ đó người dân yên tâm tập trung vào sản xuất, không lo về khâu tiêu thụ.
Cùng với 2 xã Chi Lăng và Xuân Mai, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được những mô hình phát triển sản xuất hiệu quả.
Năm 2018, UBND tỉnh quyết định phân bổ gần 36,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất và các hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất 36 xã đã đạt chuẩn, 12 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2018 và 5 xã đặc biệt khó khăn trên 18,5 tỷ đồng; phân bổ 11,7 tỷ đồng cho 13 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả và hỗ trợ đối mới các hình thức tổ chức sản xuất tại các huyện: Bắc Sơn, Văn Lãng, Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định, Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc, Văn Quan; phân bổ cho 3 dự án phát triển sản xuất tổng thể 6,2 tỷ đồng. Đối với các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt chuẩn năm 2018 và 5 xã đặc biệt khó khăn, đến nay đã có 61 mô hình trên địa bàn 10/11 huyện, thành phố trình thẩm định, phê duyệt, trong đó có một số mô hình ở các huyện: Tràng Định, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng… đã triển khai thực hiện.
Sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước cộng với nỗ lực, chủ động của các xã đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân.
Năm 2017, UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và các hình thức tổ chức sản xuất là gần 32 tỷ đồng. Trong đó đã trực tiếp lựa chọn và phân bổ vốn cho 3 dự án tổng thể và 14 mô hình phát triển sản xuất gắn với xây dựng nhãn mác sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị để chỉ đạo điểm trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 43 xã xây dựng các mô hình, trong đó 24 xã đã đạt chuẩn NTM, 14 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 và 5 xã đặc biệt khó khăn với 56 mô hình phát triển sản xuất. Các mô hình được lựa chọn hỗ trợ đã phát huy được thế mạnh của địa phương, qua đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn từng bước thay đổi tư duy, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất.. |
Ý kiến ()