Nâng cao hiệu quả vốn FDI
26 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đã đem lại hiệu quả kinh tế to lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, giải quyết nhiều công ăn việc làm...
Tuy nhiên, thực trạng thu hút và sử dụng FDI cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết, để từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có những cơ chế, chính sách tăng cường quản lý hoạt động FDI, đồng thời thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn này, để FDI thật sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
Tác động lan tỏa còn hạn chế
Theo Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT), tính đến hết ngày 20-7, cả nước có 16.813 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 242,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt hơn 50%. Ðánh giá tổng thể, các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất, FDI đã đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam thể hiện ở thu hút vốn, công nghệ; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sức lan tỏa để thu hút thêm các công ty vệ tinh vào sản xuất; giải quyết công ăn việc làm; tiếp thu kinh nghiệm điều hành, quản lý; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế cũng như nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…
Tuy nhiên, nguyên Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (Bộ KH và ÐT) Phan Hữu Thắng đánh giá, trong số hơn 16 nghìn dự án FDI này thì có tới hơn 13.524 dự án là hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài; chỉ có hơn 2.860 dự án theo hình thức liên doanh. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ sẽ rất khó. Ngay cả tại những dự án công nghệ cao, công nhân kỹ thuật vận hành ở khâu nào thì chỉ tác nghiệp được ở khâu đó. Một vấn đề nữa là thu hút FDI vào nông nghiệp, ngư nghiệp quá ít, thậm chí ngày càng giảm. Những năm trước đây, tỷ lệ này đạt 15%, nay có lúc xuống còn 1 đến 2% trong tổng vốn đăng ký. Theo Bộ KH và ÐT, phần lớn các dự án FDI tại Việt Nam có trình độ công nghệ trung bình của thế giới (chiếm khoảng 80%), thậm chí nhiều dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây hại môi trường.
Mặc dù thu hút FDI liên tục tăng trưởng nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng so giá trị sản xuất thấp. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh Vũ Ðức Quyết thẳng thắn chia sẻ: Xuất khẩu của khối FDI trên địa bàn tăng mạnh, nhưng xuất siêu vẫn trong khoảng hai tỷ USD. Giá trị gia tăng cũng giảm theo thời gian, năm 2011 là 13,3% thì năm 2013 lại giảm xuống còn 8%. Lý giải điều này, đồng chí Vũ Ðức Quyết cho rằng, do ngành công nghiệp điện tử chiếm tới 70% tỷ trọng cơ cấu đầu tư FDI của tỉnh Bắc Ninh, mà ngành này lại đòi hỏi phải kèm theo ngành công nghiệp hỗ trợ rất mạnh, trong khi cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu này. Chẳng hạn, riêng tổ hợp Samsung tại Việt Nam cần tới 300 nhà cung cấp linh kiện lớn nhỏ. Vì thế, Samsung phải kéo theo các nhà sản xuất phụ trợ sang, và họ hợp thành chuỗi giá trị và chính điểm này chúng ta khó quản lý được. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Sim Uôn Hoan cho biết, nếu các nhà sản xuất linh kiện ở Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của Samsung thì Samsung sẵn sàng đặt hàng ngay vì như thế sẽ hiệu quả hơn là mua của nhà cung cấp nước ngoài.
Rõ ràng, vẫn còn “khoảng cách” và thiếu liên kết giữa DN trong nước với DN FDI, khu vực FDI chưa tác động lan tỏa nhiều tới các khu vực trong nước. Tại tỉnh Hải Dương, số lượng các dự án FDI có vốn đầu tư nhỏ với công nghệ kém hiện đại đầu tư những năm trước đây cũng khá lớn. Một số DN đầu tư vào các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp với công nghệ thấp và sử dụng trang thiết bị máy móc tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn lao động và chất lượng lao động cũng là vấn đề nan giải đối với nhà đầu tư nước ngoài khi một số dự án đầu tư lớn không thể triển khai vì thiếu lao động đáp ứng yêu cầu. Tổng Giám đốc Sim Uôn Hoan thẳng thắn bày tỏ, ở Việt Nam quá coi trọng bằng cấp, không mấy chú trọng vào đào tạo nghề, trong khi ở Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc rất coi trọng việc này. Samsung khá vất vả trong việc đi tìm đủ lao động cho nhu cầu phát triển sản xuất tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Một vấn đề nữa mà dư luận cũng đang bức xúc vì nghi vấn một số tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều năm như Coca Cola, Metro… mà vẫn khai báo lỗ để né thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Ðại diện Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, đa số các DN FDI thực hiện tốt các chính sách về thuế. Tuy nhiên, vừa rồi, qua kiểm tra, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện, truy thu khoảng 14 tỷ đồng thuế thu nhập DN của Công ty Viet Pacific Clothing vì lý do chuyển giá.
Sàng lọc dự án FDI
Khắc phục những hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI thời gian qua, nhiều địa phương đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược thu hút FDI. Giám đốc Sở KH và ÐT tỉnh Hải Dương Vương Ðức Sáng khẳng định, tỉnh đã xây dựng danh mục các lĩnh vực hạn chế, không khuyến khích đầu tư; hạn chế hoặc không cấp chứng nhận đầu tư các dự án vào khu vực phi sản xuất, các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên; không cấp chứng nhận đầu tư các dự án có quy mô vốn nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giám đốc Sở KH và ÐT tỉnh Ðồng Nai Bồ Ngọc Thu cho biết, Ðồng Nai là một trong những địa phương tiên phong trong việc nâng cao chất lượng vốn FDI để thực hiện mục tiêu “xanh hóa” sản xuất. Tỉnh kiên quyết “nói không” với những dự án không đạt các tiêu chí đặt ra, cũng như không giải quyết những dự án sản xuất xin đầu tư ngoài khu (cụm) công nghiệp. Ðể thu hút các dự án FDI ngành công nghiệp hỗ trợ, Ðồng Nai đã thành lập các khu công nghiệp Long Ðức, Sonadezi Long Thành (huyện Long Thành) với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, nhà xưởng… phù hợp điều kiện, quy mô của các DN vừa và nhỏ ngành công nghiệp hỗ trợ. Ðầu năm nay, tỉnh Ðồng Nai đã phê duyệt đề án xây dựng cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư đối với các DN này để nỗ lực kéo dòng vốn FDI “chảy” đúng hướng.
Liên quan tới vấn đề chuyển giá của các DN FDI, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, việc quản lý thuế các DN FDI đã được tăng cường theo hướng sát sao, hiệu quả hơn, nhưng vẫn tạo sự thông thoáng về thủ tục. Ngay từ thời điểm cuối năm 2013, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiến hành phân tích, lựa chọn những DN có rủi ro cao để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2014, trong đó tập trung triển khai công tác chống các hành vi vi phạm về hóa đơn; thanh tra các DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ, qua đó đã xác định rõ mục đích các giao dịch, nhận diện một số hình thức hợp thức hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng của DN hay chuyển giá. Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam cũng khẳng định, trong số gần 20 nghìn DN FDI đang được quản lý thuế thì có khoảng 30% số DN có dấu hiệu nghi ngờ. Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 1.000 DN báo lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, qua đó, đã truy thu, truy hoàn, xử phạt, giảm khấu trừ, giảm lỗ kê khai gần 30 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, số lượng các DN FDI kê khai thua lỗ đã giảm rõ rệt. Nhiều DN trước đây kê khai bị lỗ thì nay đã kê khai có lãi lớn, nhiều DN khác trước đây kê khai với mức lợi nhuận không đáng kể thì nay đã kê khai tăng lợi nhuận.
Ðể quản lý tốt hơn các DN FDI, cơ quan thuế tập trung triển khai công tác chống các hành vi vi phạm về hóa đơn qua ứng dụng “đối chiếu bảng kê hóa đơn” trong toàn ngành nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế. Ðồng thời, đẩy mạnh việc chống thất thu qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa, xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường, thuế suất cao; thực hiện phân loại chính xác, tổng hợp đầy đủ các khoản tiền nợ thuế; tổ chức thực hiện cưỡng chế nợ thuế; rà soát các DN có nợ thuế lớn, các DN FDI nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu, gia công, tạm nhập tái xuất; phân loại, lập danh sách các DN có độ rủi ro cao để theo dõi và có biện pháp quản lý chặt chẽ… Về vấn đề này, đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay từ khi đàm phán với Samsung chuẩn bị đầu tư, tỉnh đã yêu cầu biên độ lợi nhuận của Samsung không được dưới 2% tổng doanh thu. Bắc Ninh là một trong số ít các địa phương thực hiện được điều này, và hơn thế, tỉnh còn yêu cầu Samsung phải trích 0,75% tổng doanh thu để đầu tư trở lại hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.
Theo ông Phan Hữu Thắng, chúng ta cần xác định rõ chiến lược thu hút FDI, trong đó có các đối tác chiến lược như Samsung, Intel… bởi đã qua rồi cái thời thu hút FDI bằng mọi giá, hoặc coi yếu tố tài nguyên hay nhân công giá rẻ là điểm hấp dẫn. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần nâng cao hiệu quả quản lý FDI. Ðối với các lĩnh vực then chốt mà khả năng nền kinh tế chưa đáp ứng nổi thì cần hướng tới các dự án tác động ngành, địa phương, tạo các sản phẩm “Made in Việt Nam”, thiếu các sản phẩm này thì không cạnh tranh được với các nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hải quan, nộp thuế. Tiếp cận đất đai… Ở tầm vi mô, cần hướng cho nhà đầu tư liên doanh với đối tác Việt Nam để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp thu công nghệ và cần tìm đúng các đối tác thật sự có công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với sản phẩm công nghệ cao, bảo quản trong nông sản.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()