Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa xét xử lưu động
Những năm qua, với đặc điểm của địa bàn miền núi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao, việc tăng cường các phiên tòa xét xử lưu động đến tận các xã, bản đã giúp Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Lai Châu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Một phiên tòa xét xử lưu động ở Lai Châu. Ảnh QĐ
Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có mặt tại phiên tòa xét xử lưu động sơ thẩm của TAND thành phố Lai Châu đối với bị cáo Nguyễn Huy Bình (sinh năm 1979) và bị cáo Trần Kiên Lập (sinh năm 1989) về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Mọi người có mặt tại phiên tòa đều chú ý, tập trung lắng nghe nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Lai Châu cũng như lời khai của các bị cáo tại phiên xét xử. Trong điều kiện tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn đang có nhiều diễn biến phức tạp, phiên xét xử lưu động đã giúp nâng cao nhận thức của những người tham dự về tác hại của ma túy cũng như những quy định nghiêm khắc của pháp luật về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Kết thúc phiên tòa, TAND thành phố Lai Châu đã tuyên phạt mỗi bị cáo mức án 26 tháng tù giam.
Qua tìm hiểu được biết, nhằm mục đích giúp đồng bào các dân tộc nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi sai phạm trong cộng đồng, những năm gần đây, TAND thành phố Lai Châu đã thường xuyên tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại các địa bàn dân cư. Những vụ án đưa ra xét xử lưu động thường là các vụ án nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an thành phố, cấp ủy và chính quyền địa phương, phần lớn các phiên xét xử lưu động đều được tổ chức tại nơi xảy ra vụ án hoặc tại nơi bị cáo thường trú, tạm trú; qua đó đã thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
Ông Hoàng Đức Kiên (phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La) cho biết: “Tôi đã tham dự 2 phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn cư trú. Các vụ án đều xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội. Nhờ tham gia những phiên tòa đó mà tôi cùng mọi người hiểu thêm về các thủ đoạn gây án của các đối tượng phạm tội, từ đó nâng cao cảnh giác; đồng thời cũng giáo dục, khuyên bảo con cháu chấp hành tốt pháp luật, tránh xa ma túy và các hành vi phạm pháp khác”.
Theo thống kê, từ đầu năm 2015 đến nay, TAND thành phố Lai Châu đã tiến hành xét xử lưu động 16 vụ với 18 bị cáo, chiếm 39% số vụ và 28,6% số bị cáo được đưa ra xét xử. Các vụ xét xử lưu động tại địa bàn chủ yếu liên quan tới án ma túy, các vụ án trộm cắp tài sản, các vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự trị an… Thực tế xét xử lưu động của TAND thành phố Lai Châu cho thấy, đây là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan phù hợp với tâm lý, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc điểm tâm lý chung của đồng bào vùng cao là chỉ tin vào những gì “mắt thấy, tai nghe”. Do vậy, thông qua việc tham dự các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn sẽ là hình thức tuyên truyền trực quan, giúp bà con hiểu được thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, những quy định của pháp luật đối với các hành vi phạm pháp cũng như tính khoan hồng của pháp luật đối với việc thành khẩn khai báo tại phiên tòa. Đây là cơ sở để đồng bào nêu cao cảnh giác, chủ động phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng trong tham gia đấu tranh, phát hiện các vụ hành vi vi phạm cũng như tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nói cách khác, các phiên tòa xét xử lưu động của TAND thành phố Lai Châu đã trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Dương Thị Tuyết Thanh – Phó Chánh án TAND thành phố Lai Châu chia sẻ: “Việc tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động là một chủ trương phù hợp với đặc điểm của một đô thị miền núi như thành phố Lai Châu. Không chỉ thiết thực nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo người dân trên địa bàn, các phiên tòa xét xử lưu động còn là cơ hội để đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp tham gia xét xử có thêm điều kiện để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từ đó xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật”.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()