Nâng cao hiệu quả thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” trong tình hình mới
Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Bộ đội Biên phòng đồn Pò Mã tuần tra biên giới Ảnh: KHÁNH LY
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia, ngày 22/02/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức “Ngày biên phòng” trong cả nước. Thông qua đó, thể chế hóa cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới; tạo hành lang pháp lý cho công tác vận động quần chúng của các cấp, các ngành hướng về biên giới. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 3, ngày 17/6/2003, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định lấy ngày 3/3 hằng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”.
Là tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Lạng Sơn đã được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện, trở thành địa bàn sôi động trong các hoạt động thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa với Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Trước tình hình trên, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới như: tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện 3 văn kiện pháp lý trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Nghị quyết số 34-NQ/TU, ngày 22/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, giai đoạn 2011 – 2015”… Trên cơ sở đó, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới, các cấp, các ngành, đoàn thể và các lực lượng trong tỉnh đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết nhân dân các dân tộc; phát huy được vai trò nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Do vậy, chúng ta đã vượt qua được nhiều khó khăn, bảo vệ và xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, tạo được sự chuyển biến, tiến bộ nhiều mặt.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã tuần tra biên giới Ảnh: NÔNG ĐÌNH QUANG
Tình hình kinh tế – xã hội khu vực biên giới có chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư cho phát triển khu vực biên giới ngày càng cao; các dự án kinh tế, chương trình xóa đói giảm nghèo được quan tâm đẩy mạnh; kết cấu hạ tầng của khu vực biên giới nói chung, đặc biệt là các khu kinh tế cửa khẩu nói riêng đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch phát triển, đời sống nhân dân khu vực biên giới được nâng lên. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2016 là 12 nghìn tỷ đồng, trong đó, thực hiện trên địa bàn 5 huyện biên giới là hơn 4,5 nghìn tỷ đồng; riêng đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực biên giới là 200 tỷ đồng, đầu tư cho chương trình quản lý, bảo vệ biên giới gần 150 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn biên giới có đường ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm; có 70% các thôn, bản có đường xe cơ giới vận tải nhỏ đi được 4 mùa (năm 2010 là 60,6%).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các xã, thị trấn biên giới đã được đầu tư 161 công trình cấp nước tập trung, với tổng số vốn đầu tư 167,9 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh là 95% (năm 2010 là 90,22%); trụ sở UBND các xã, thị trấn biên giới đã được xây dựng cơ bản.
Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, những tập quán, hủ tục lạc hậu từng bước được loại trừ, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội được ngăn chặn, đẩy lùi. Tổ chức cơ sở Đảng được quan tâm củng cố, xây dựng trong sạch vững mạnh; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hoạt động ngày càng có hiệu quả. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; các đơn vị lực lượng vũ trang được quan tâm xây dựng vững mạnh toàn diện; chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả nước.
Cùng với đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới. Hoạt động kết nghĩa đỡ đầu của các cơ quan, đơn vị tuyến sau đối với chiến sĩ, nhân dân biên giới được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Hằng năm, đã có hàng chục đoàn của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, các đơn vị kết nghĩa đến thăm, tặng quà các đồn biên phòng, nhân dân biên giới vào dịp ngày lễ, tết, Ngày Biên phòng toàn dân (3/3).
Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác biên phòng; tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức, hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; chủ động làm tốt công tác đối ngoại Biên phòng, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, giao lưu, gặp gỡ với các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân nước láng giềng, góp phần tăng cường quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các địa phương hai bên biên giới. Tích cực tham gia cùng với địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân biên giới…,thực sự là điểm tựa tin cậy, vững chắc của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên tuyến biên giới của tỉnh.
Có thể khẳng định, trong những năm qua “Ngày Biên phòng toàn dân” đã được các cấp, các ngành, quân và dân trong tỉnh Lạng Sơn thực hiện đạt kết quả tốt, quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, phù hợp với thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp để quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. “Ngày Biên phòng toàn dân” đã thực sự trở thành ngày hội của nhân dân các dân tộc khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế: công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về biên giới quốc gia, về “ngày biên phòng toàn dân” chưa được sâu rộng và thường xuyên; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động của tội phạm, buôn lậu qua biên giới còn diễn biến phức tạp; vẫn còn nhận thức cho rằng thực hiện “ngày biên phòng toàn dân” chỉ là trách nhiệm của bộ đội biên phòng, của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các dân tộc khu vực biên giới và chỉ tiến hành vào dịp 3/3 hằng năm…
Để thực hiện có hiệu quả “Ngày Biên phòng toàn dân”, thực sự là ngày hội của nhân dân, yêu cầu các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một, tiếp tục quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”, các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đến các cấp, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh để mọi người thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới.
Hai, đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh; nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn biên giới trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương. Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí để nhân dân tin tưởng, yên tâm gắn bó với địa bàn biên giới, tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới.
Ba, tiếp tục xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, chính quy, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, xây dựng, nâng cấp các đồn, trạm, tổ công tác Biên phòng, để Bộ đội Biên phòng có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn, phát huy hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh, trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại nhân dân; tích cực triển khai việc tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới và tổ chức kết nghĩa đồn, trạm biên phòng hai bên biên giới, góp phần xây dựng, củng cố, mở rộng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước láng giềng.
Năm, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp, các hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu giữa các ban, ngành, đoàn thể với các đơn vị Bộ đội Biên phòng và địa phương khu vực biên giới. Đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục các văn bản về quản lý, bảo vệ biên giới và thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của tỉnh.
Sáu, thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Ý kiến ()