Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân…
Áp dụng cơ giới hóa sản xuất lúa tại xã Long Xuyên, huyện Bình Giang (Hải Dương). |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.
Mức độ cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi đạt từ 55% đến 90%… Đối với sản xuất lúa, giai đoạn từ năm 2008 đến 2021, khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%, khâu gieo sạ, cấy từ 5% lên 65%, khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%, khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%.
Những cánh đồng “không dấu chân”
Từ mấy năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương vận động, khuyến khích nông dân trên địa bàn canh tác lúa theo mô hình cánh đồng “không dấu chân”. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm: Cánh đồng “không dấu chân” nghĩa là việc sản xuất lúa được cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, thu hoạch.
Lợi ích khi thực hiện cánh đồng “không dấu chân” không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, mà còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tác dụng nữa của mô hình này là người nông dân không trực tiếp lội ruộng nên hạn chế khả năng mang các mầm bệnh gây hại cho cây trồng phát tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.
Đặc biệt, khi thực hiện mô hình sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, khắc phục tình trạng bỏ ruộng.
Đến nay, Hải Dương có khoảng 1.000ha được áp dụng theo mô hình này, trong đó phát triển mạnh ở những địa phương thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, những vùng tích tụ ruộng đất quy mô lớn nên bắt buộc phải cơ giới hóa nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả canh tác.
Mặc dù tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào để hỗ trợ mô hình này nhưng việc hỗ trợ từng khâu đã và đang được thực hiện như: Đề án hỗ trợ máy cấy; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, bằng máy; hỗ trợ tích tụ ruộng đất; hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho vùng lúa đặc sản…
Những chính sách này đã tác động trực tiếp và thúc đẩy nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là mô hình cánh đồng “không dấu chân” trên địa bàn.
Chúng tôi về xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương khi nông dân bắt đầu xuống đồng gieo cấy lúa đông xuân 2022-2023. Những chiếc máy cấy chạy đều đều, những hàng lúa mới cấy thẳng tắp. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên Hoàng Hữu Bắc cho biết: “Hiện nay, hợp tác xã đang làm dịch vụ cho người dân với diện tích khoảng 160ha.
Việc cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả hơn so với gieo cấy truyền thống từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/sào nhờ giảm chi phí công lao động, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ít hơn, trong khi năng suất lại cao”.
Những ngày này, tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiều diện tích lúa đã được xuống giống gần một tháng. Để chủ động xử lý sâu bệnh gây hại, nông dân đã thuê thiết bị bay không người lái, giúp giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng.
Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Chánh Tài, ngụ ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh là người đầu tiên ở xã thuê thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu rầy cho lúa. Đến nay, những thiết bị này đã được sử dụng rộng rãi trên địa bàn. Ông Tài cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi có 11ha trồng lúa. Tôi rất mừng khi hiện giờ ngày càng nhiều máy móc hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Nhờ áp dụng cơ giới hóa đã giúp bảo vệ sức khỏe, đồng thời giảm chi phí sản xuất khoảng 30%.
Ngoài ra, nhờ cơ giới hóa mà nông dân chúng tôi cũng không còn cảnh chạy đôn, chạy đáo đi tìm thuê lao động phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, thu hoạch… như trước đây. Điều mà chúng tôi gặp khó khăn nhất để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hiện nay là nguồn vốn đầu tư. Nông dân chúng tôi không có nhiều tiền để mua máy và việc thuê máy móc cũng khá tốn kém. Vì vậy, chúng tôi phải vay ngân hàng với lãi suất hiện nay khá cao khiến chi phí đầu tư tăng lên”.
Hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp
Mặc dù thời gian vừa qua, lĩnh vực cơ giới hóa đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả nhưng mới tập trung ở một số khâu và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực. Chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy.
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp như: Giao thông nội đồng, quy mô đồng ruộng còn nhỏ, phân tán, hệ thống tưới, tiêu chưa đồng bộ.
Chất lượng máy móc, thiết bị nông nghiệp chưa được kiểm soát, giám định chặt chẽ; người sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp chưa được đào tạo và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản nông sản cũ, lạc hậu, gây tốn nhiều nguyên liệu trong sản xuất, năng suất thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.
Cơ sở vật chất, phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong sản xuất, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch một số ngành hàng còn cao.
Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện nay tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang ngày càng cao, trong đó, một số khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao như: Làm đất đạt gần 99%, tưới tiêu nước chủ động gần 100%, khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đạt 95%, khâu thu hoạch lúa 93%, khâu vận chuyển đạt 91%…
Thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí về sử dụng giống, tiết kiệm công cấy từ 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/ha, giảm một đến hai lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất từ 5 đến 15%, tăng hiệu quả kinh tế từ 2,77 triệu đến 8,31 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, ở tỉnh Đồng Tháp tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100% đối với diện tích đất có nhu cầu làm đất; gieo sạ, cấy là 88,87%; bơm tưới chủ động đạt 100% và toàn bộ diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn cho biết: “Những năm qua, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có bước phát triển mạnh, nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được đưa vào sản xuất, tỷ lệ cơ giới sản xuất tăng nhanh trong một số khâu. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, số lượng máy nông nghiệp khá nhiều, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch”.
Nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới các bộ, ngành và địa phương cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, trọng tâm là tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp để nghiên cứu và chuyển giao khoa học-công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ do trong nước sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp…
Ý kiến ()