LSO-Trong những năm qua, cơ cấu cây trồng vụ đông đã có sự chuyển dịch tích cực. Diện tích cây thực phẩm tăng lên, trong đó cây khoai tây đóng vai trò chủ lực. Thế nhưng, nhà nông nhiều lúc vẫn lao đao bởi tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ở một số nơi đã bắt đầu có sự chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống, song sự chuyển dịch ấy chưa đồng bộ. Nông dân xã Hoàng Việt, Văn Lãng thu họach khoai tây sớm Vụ đông năm nay, thấy mấy thửa ruộng ven suối không canh tác, chị Hoàng Thị Thanh thôn Nà Áng, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng bỏ ra hơn tạ thóc để thuê lại. Chuẩn bị được đất chị Thanh trồng khoai tây đông sớm hơn những gia đình khác cả tháng trời. Vì thế mà khi khoai tây đông ở Văn Lãng mới chỉ bước vào giai đoạn chăm sóc thì khoai tây nhà chị Thanh đã cho thu hoạch. Chị Thanh cho biết: vừa trồng sớm, mình lại vừa chủ động phun thuốc phòng bệnh, nên khoai tây phát...
LSO-Trong những năm qua, cơ cấu cây trồng vụ đông đã có sự chuyển dịch tích cực. Diện tích cây thực phẩm tăng lên, trong đó cây khoai tây đóng vai trò chủ lực. Thế nhưng, nhà nông nhiều lúc vẫn lao đao bởi tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ở một số nơi đã bắt đầu có sự chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống, song sự chuyển dịch ấy chưa đồng bộ.
Nông dân xã Hoàng Việt, Văn Lãng thu họach khoai tây sớm
Vụ đông năm nay, thấy mấy thửa ruộng ven suối không canh tác, chị Hoàng Thị Thanh thôn Nà Áng, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng bỏ ra hơn tạ thóc để thuê lại. Chuẩn bị được đất chị Thanh trồng khoai tây đông sớm hơn những gia đình khác cả tháng trời. Vì thế mà khi khoai tây đông ở Văn Lãng mới chỉ bước vào giai đoạn chăm sóc thì khoai tây nhà chị Thanh đã cho thu hoạch. Chị Thanh cho biết: vừa trồng sớm, mình lại vừa chủ động phun thuốc phòng bệnh, nên khoai tây phát triển nhanh, thu hoạch năng suất hơn hẳn năm trước. Khi cán bộ chuyên môn của Phòng NN&PTNT đến kiểm tra, giải thích, chị Thanh mới biết gia đình mình đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, khoai tây đông gieo trồng sớm, tránh được nóng ẩm, vì thế sâu bệnh cũng được hạn chế đi rất nhiều.
Được mùa, nhưng do vẫn sử dụng giống cũ, nên khi đưa ra thị trường, giá cả lại khiến cho chị Thanh lo lắng. Mang ra chợ Na Sầm bán lẻ, nếu gặp “khách sộp” thì may ra bán được 6.000 đồng/kg, còn bình thường chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Thậm chí có đại lý còn đưa ra giá thu mua cả ruộng là 2.800 đồng/kg. Bán buôn thì nhanh gọn, nhưng với giá ấy, thì người trồng lỗ vốn. Vậy là hàng ngày gia đình chị Thanh vẫn phải gồng gánh khoai ra chợ, được ít nào hay ít đấy. Giờ thị trường chỉ chuộng khoai tây giống mới của Đức, Hà Lan, củ to, trò, ít mắt làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, nhưng chưa chuyển đổi cơ cấu giống, những người nông dân như chị Thanh vẫn lao đao.
Thế nhưng nhìn từ một góc độ khác, việc tiếp cận với khoai tây giống mới cũng chưa thực sự dễ dàng đối với người nông dân. Một mặt do giá thành các loại giống mới còn ở mức cao so với mặt bằng chung, mặt khác lượng giống sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Còn nhớ cách đây 4 năm, khi Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô. Lúc ấy, nông dân Xứ Lạng đã hy vọng với khoảng 2.500ha khoai tây mỗi năm, nếu đưa giống mới vào sản xuất, thì Lạng Sơn sẽ trở thành vùng sản xuất khoai tây giống lớn trong cả nước, cung cấp giống cho cả miền bắc. Thế nhưng hy vọng ấy nhanh chóng tiêu tan. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho biết: vụ đông năm nay Trung tâm chỉ có thể cung ứng được 60 tấn giống, tương đương với 60 ha. Số này cộng thêm với lượng dữ trữ ở các kho lạnh của Lộc Bình, Tràng Định, tối đa cũng chưa nổi 200 tấn, có nghĩa là Lạng Sơn chưa chủ động nổi giống mới cho 200 ha, so với diện tích trên 2.000 ha trồng khoai tây của toàn tỉnh, thì giống không đáp ứng nổi 1/10.
Nông dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng khẩn trương làm đất
để gieo trồng vụ xuân – Ảnh: Thanh Đàn
Nguyên nhân của tình trạng này là hiện nay Lạng Sơn thiếu rất nhiều kho lạnh để bảo quản khoai tây giống. Hiện nay Trung tâm ứng dụng thuộc Sở KH-CN Lạng Sơn có 5 kho lạnh, một phần làm dịch vụ cho các đơn vị, cá nhân bảo quản giống và 3 kho lạnh ở Lộc Bình, Tràng Định. Mỗi kho có sức chứa tối đa 40 tấn khoai tây giống. Làm một phép tính đơn giản, phát huy tối đa năng lực, thì Lạng Sơn cũng chỉ có thể sản xuất được 320 tấn khoai tây giống mới mỗi năm, đó là chưa kể lượng hao hụt trong quá trình bảo quản. Theo như tính toán, để đảm bảo cho chuyển đổi toàn bộ giống mới, chỉ riêng huyện Lộc Bình cũng cần có tới 25 kho lạnh.
Trong khi đó, những diện tích ít ỏi canh tác giống mới thì lại chưa quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu mùa vụ. Khoai tây giống mới, mẫn cảm hơn với thời tiết, dễ bị sâu bệnh. Chỉ phân tích riêng trong vụ đông năm nay cũng đã thấy rất nhiều bất cập trong chuyển dịch. Bất cập này cần được sự vào cuộc, giải quyết đồng bộ của các cấp, ngành, các địa phương, để nâng cao hiệu quả sản xuất trong vụ đông.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()