Nâng cao hiệu quả quản lý thuế hộ kinh doanh
– Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, từ đó, góp phần vào nâng cao hiệu quả thu ngân sách chung trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực II rà soát chính sách thuế liên quan đến hộ kinh doanh
Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) là một trong hai thành tố của khoản thu từ khu vực ngoài quốc doanh. Tỷ trọng thu từ hộ kinh doanh không cao bằng khu vực doanh nghiệp (số thu từ hộ kinh doanh chiếm khoảng 18% tỷ trọng thu từ khu vực ngoài quốc doanh). Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp khó khăn hơn dẫn tới số nộp ngân sách sụt giảm (10 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nộp ngân sách được 336 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh ở một số huyện, thành phố có lúc, có nơi chưa kịp thời, đầy đủ, chưa bám sát được biến động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số hộ kinh doanh…
Trước bối cảnh đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngay từ những tháng cuối năm 2022 trở lại đây, ngành thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế nói chung, trong đó có quản lý hộ kinh doanh, Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chi cục thuế đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế để đưa các chính sách, pháp luật thuế đến gần, đầy đủ hơn với người nộp thuế; ban hành văn bản chỉ đạo chuyên đề về nâng cao hiệu quả quản lý thuế với hộ kinh doanh; tổ chức kiểm tra, giám sát, rà soát các trường hợp hộ kinh doanh mới phát sinh, biến động doanh thu; tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền…
Đến tháng 10/2023, cơ quan thuế đã lập bộ quản lý thuế 13.321 hộ kinh doanh, tăng 858 hộ so với cùng kỳ năm 2022. Qua 10 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách từ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được 50,5 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. |
Cụ thể, từ cuối tháng 10/2022 đến nay, bên cạnh các văn bản chỉ đạo chung, Cục Thuế tỉnh đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo, điều hành riêng về công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh năm 2023. Cùng với đó, định kỳ hằng quý, ngành thuế tổ chức hội nghị phổ biến chính sách, đối thoại với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý; phối hợp tuyên truyền 221 tin, bài trên các phương tiện thông tin, đại chúng về chính sách thuế; hỗ trợ qua điện thoại, tại cơ quan thuế cho 1.051 trường hợp người nộp thuế, trong đó có nhiều hộ kinh doanh về các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế; tuyên truyền, hướng dẫn trên 3.500 trường hợp người nộp thuế, trong đó nhiều hộ kinh doanh đăng ký và sử dụng ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động; hỗ trợ hơn 30 hộ kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền…
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Cục Thuế tỉnh, các phòng chuyên môn, các chi cục thuế đã tập trung triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Ông Võ Đình Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, cùng với tuyên truyền, đối thoại, hỗ trợ người nộp thuế, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan đối chiếu, rà soát địa bàn để nắm tình hình biến động về hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách pháp luật thuế và quản lý thuế đối với công chức thuế, đội quản lý thuế và các hộ kinh doanh; rà soát quy mô, ngành nghề của các hộ kinh doanh có thu nhập thấp dưới 100 triệu đồng/năm (nhóm đối tượng chưa đến ngưỡng nộp thuế) để đưa vào quản lý thuế, đảm bảo sát thực tế phát sinh; tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế hộ kinh doanh trên địa bàn… Qua đó, đến nay, đơn vị đưa vào quản lý 3.726 hộ kinh doanh. Qua 10 tháng đầu năm, thu ngân sách từ các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố được hơn 19 tỷ đồng và là đơn vị có số thu từ hộ kinh doanh cao nhất trên địa bàn tỉnh.
Cùng với Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, các chi cục thuế khác trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ; phối hợp với các cơ quan liên quan để nắm bắt, rà soát tình hình hoạt động của hộ kinh doanh; lựa chọn giám sát hộ kinh doanh để quản lý thuế đúng quy định… Qua đó, đến tháng 10/2023, cơ quan thuế đã lập bộ quản lý thuế 13.321 hộ kinh doanh (trong đó 8.955 hộ đến ngưỡng nộp thuế và 4.366 hộ chưa đến ngưỡng nộp thuế), tăng 858 hộ so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó số hộ đến ngưỡng nộp thuế tăng 626 hộ, chưa đến ngưỡng nộp tăng 232 hộ); 751 hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai. Qua 10 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách từ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được 50,5 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả đạt được trong thu từ hộ kinh doanh đã góp phần tích cực vào kết quả thu nội địa chung trên địa bàn tỉnh. Qua hơn 10 tháng đầu năm 2023, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh được 2.154 tỷ đồng, đạt 102,9% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 97,9% dự toán tỉnh giao.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song trên thực tế, việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số địa bàn hộ kinh doanh đăng ký nhưng thực tế không kinh doanh; các hộ kinh doanh vận tải thường xuyên biến động về số lượng xe; số nợ hộ kinh doanh còn lớn; trong quá trình quản lý thu thuế, một số hộ kinh doanh chưa có ý thức tự giác nộp thuế vào ngân sách… Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, thời gian tới, ngành thuế tiếp tục tập trung thực hiện tốt đúng trình tự các bước quản lý thuế; triển khai các bước xây dựng dữ liệu phục vụ công tác lập, duyệt bộ hộ kinh doanh năm 2024; tập trung sát sao, coi trọng công tác duyệt bộ hằng tháng, xác định cụ thể số nợ phải thu của các hộ kinh doanh; tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác điều chỉnh thuế (tập trung vào ngành hàng ăn uống, dịch vụ khách sạn…), rà soát địa bàn để đưa các hộ mới phát sinh vào quản lý thu thuế…
Hy vọng rằng với những kết quả đã đạt được cộng với những giải pháp nêu trên, thời gian tới, việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần tạo sự minh bạch, bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách của các hộ kinh doanh, từ đó khai thác hiệu quả, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, bền vững.
Ý kiến ()