Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐKH, thực hiện cam kết quốc tế
Ngày 21/1, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) thông tin về những nội dung nổi bật của các văn bản pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu (BĐKH), thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Cụ thể, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH.
4 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực BĐKH
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định 4 thủ tục hành chính mới về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Cụ thể, xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước: Tổ chức, cá nhân sở hữu tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch phát thải khí nhà kính có nhu cầu xác nhận để giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước gửi hồ sơ đề nghị xác nhận theo mẫu về Bộ TN&MT. Thời gian xem xét cấp giấy xác nhận trong tối đa 15 ngày làm việc.
Về việc đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon: Tổ chức có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký chương trình, dự án theo mẫu về Bộ TN&MT. Thời gian xem xét cấp văn bản chấp thuận trong thời gian tối đa 38 ngày làm việc.
Đối với đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có hoạt động sử dụng các chất được kiểm soát thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nộp hồ sơ đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch theo mẫu về Bộ TN&MT. Thủ tục đăng ký được thực hiện một lần trước ngày 31/12/2022 và định kỳ cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký của tổ chức, hoặc đăng ký hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất trong báo cáo gửi Bộ TN&MT trước ngày 15/1 hằng năm.
Đây là thủ tục hành chính tích hợp, bao gồm việc công bố thông tin đăng ký hoạt động sử dụng và thông báo phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu trong năm của các tổ chức. Cụ thể, trong 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ TN&MT rà soát hồ sơ và công bố thông tin về tổ chức đăng ký trên Cổng Thông tin điện tử Bộ và trang thông tin điện tử của Cục BĐKH.
Trong thời gian tối đa là 33 ngày làm việc, kể từ ngày nhận báo cáo năm của tổ chức, Bộ TN&MT thực hiện phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu, xác minh thông tin trong trường hợp cần thiết, lấy ý kiến cơ quan liên quan và thông báo cho tổ chức có hoạt động sản xuất, nhập khẩu các chất HCFC, HFC.
Hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất HFC được phân bổ từ ngày 1/1/2024.
Cuối cùng là thủ tục hành chính về điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch về Bộ TN&MT trước ngày 10/7 hằng năm. Bộ xem xét điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch và thông báo cho tổ chức trong thời gian tối đa 33 ngày làm việc.
Quy định cụ thể về đối tượng bắt buộc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định đối tượng bắt buộc và đối tượng khuyến khích thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo đó, đối tượng bắt buộc bao gồm: Các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Trước ngày 31/3 kể từ năm 2023, các cơ sở có trách nhiệm cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực. Trước ngày 31/3 kể từ năm 2025, các cơ sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần gửi UBND cấp tỉnh.
Theo Cục BĐKH, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Nghị định đã cụ thể hóa mục tiêu cam kết của Việt Nam trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm mục tiêu cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030 được chia theo 2 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030. Giai đoạn 2021-2025 chưa bắt buộc giảm phát thải đối với các cơ sở. Giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước.
Thị trường carbon trong nước cũng được tổ chức và phát triển trên cơ sở lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon…
Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Về bảo vệ tầng ozon, Nghị định quy định trách nhiệm quản lý, lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát (các chất được kiểm soát) theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozon mà Việt Nam là thành viên.
3 hướng dẫn cụ thể về ứng phó BĐKH
Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với BĐKH có 3 nội dung chính.
Thứ nhất là, đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH .Theo đó, đánh giá tác động của BĐKH là việc xác định mức độ ảnh hưởng tích cực, tiêu cực, ngắn hạn và dài hạn; tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tổn thất, thiệt hại do BĐKH đến hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội trong phạm vi không gian và thời gian xác định.
Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá có trách nhiệm công bố báo cáo đánh giá tác động của BĐKH trên trang thông tin điện tử của mình.
Thứ hai là, thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở và báo cáo tổng hợp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính các lĩnh vực.
Cụ thể, quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực do các bộ quản lý lĩnh vực thực hiện thông qua hội đồng thẩm định với sự tham gia của đại diện bộ quản lý lĩnh vực, Bộ TN&MT, các bộ có liên quan và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp.
Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở do cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện. Sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan thẩm định, cơ sở hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính và gửi báo cáo đã hoàn thiện cho cơ quan thẩm định và Bộ TN&MT.
Thứ ba là, danh mục, hướng dẫn sử dụng, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát gồm: Danh mục các chất được kiểm soát bao gồm có danh mục các chất làm suy giảm tầng ozon cấm sản xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ; danh mục các chất làm suy giảm tầng ozon được kiểm soát; danh mục các chất gây hiệu ứng khí nhà kính được kiểm soát; danh mục các sản phẩm, thiết bị, hàng hóa có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát.
Xử lý các chất được kiểm soát quy định nguyên tắc xử lý các chất đã qua sử dụng và không thể tái chế, tái sử dụng phải được xử lý, không để phát tán ra môi trường. Việc xử lý các chất được kiểm soát thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Ý kiến ()