Nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực hàng không
Ngày 4-6, buổi sáng, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Ðầu tư (sửa đổi) và nghe Báo cáo thẩm tra dự án luật này; thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án luật: Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Bảo đảm an toàn hoạt động hàng không
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn một số quy định liên quan nhà chức trách hàng không, giá dịch vụ hàng không, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và quyền đóng, mở sân bay chuyên dụng. Các đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Lê Văn Học (Lâm Ðồng) cho rằng, việc xác định chủ thể nhà chức trách hàng không của Việt Nam chưa rõ ràng, đồng thời đề nghị Việt hóa khái niệm “nhà chức trách hàng không” để thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật. Theo đó, nên quy định cụ thể Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không.
Ðề cập quy định thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo luật giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông vận tải nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn. Do vậy, nên giao thẩm quyền này cho Bộ Quốc phòng, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong quản lý.
Liên quan công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, đa số ý kiến tán thành với các quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong luật những trường hợp được miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không để bảo đảm chặt chẽ và công khai, minh bạch. Vấn đề được một số đại biểu quan tâm là quản lý giá hàng không nội địa. Theo đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh), việc áp dụng khung giá độc quyền là không cần thiết, nên để thị trường quyết định theo quy luật cung, cầu, áp dụng cơ chế thị trường, bỏ giá trần với hàng không nội địa, tạo điều kiện có lợi hơn cho sự phát triển cũng như thực hiện đúng chủ trương cổ phần hóa và xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Bãi bỏ quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam
Buổi chiều, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ trình bày các tờ trình: Dự án Luật Căn cước công dân; Dự án Luật Hộ tịch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra các dự án luật này.
Theo quy định của Dự thảo Luật Căn cước công dân, tất cả công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống được cấp thẻ Căn cước công dân. Cùng với việc cấp thẻ Căn cước công dân, mỗi công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân gồm 12 số tự nhiên, không lặp lại ở người khác và số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ Căn cước công dân. Số định danh cá nhân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, có giá trị để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu và để cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin cơ bản của công dân trong cơ sở dữ liệu.
Theo quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của luật này. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1-7-2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam. Dự thảo luật cũng bãi bỏ quy định tại khoản 3 Ðiều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()