Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng hàng hóa
Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) là nhiệm vụ quan trọng, nhằm ngăn chặn những sai sót, sai phạm gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng quyền lợi và uy tín quốc gia, cũng như của các tổ chức, cá nhân do hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH những năm qua đã đạt kết quả đáng khích lệ, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn lan, trà trộn trên thị trường, nhất là tại khu vực nông thôn.
Thị trường nông thôn đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái tung hoành, thường là hàng tiêu dùng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát, bột giặt, mì chính, dầu gội đầu,… với mức giá rẻ bằng một nửa so với hàng thật. Nếu không tinh ý thì sẽ không nhận ra hàng giả, hàng nhái khi bao bì sản phẩm chỉ khác đôi chút về tên nhãn thương hiệu hoặc một thay đổi nhỏ… Thí dụ, bánh Choco-pie của hãng Orion được nhái thành Choco-pin, dầu gội đầu Sunsilk bị nhái thành Sunsikl,… Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc thù để kiểm tra chất lượng SPHH còn thiếu, năng lực của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa nhạy bén trong nắm bắt, xử lý thông tin về chất lượng SPHH trên thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa đồng bộ. Ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng sản phẩm khi được cấp chứng nhận thì đạt chất lượng, nhưng khi đưa ra thị trường lại không đạt. Trong khi đó, cơ quan kiểm tra không có đủ nhân lực và kinh phí để thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, cũng như lưu thông. Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ, mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không quan tâm chất lượng, tạo điều kiện cho việc sản xuất, nhập khẩu và đưa ra thị trường hàng kém chất lượng, hàng giả.
Để làm tốt công tác quản lý chất lượng SPHH, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tốt các văn bản pháp luật về hoạt động này. Tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác quản lý chất lượng; đào tạo kiểm soát viên chất lượng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về chất lượng SPHH. Đầu tư tăng năng lực cho các phòng thử nghiệm, để hình thành tổ chức đánh giá sự phù hợp cho một số SPHH phục vụ công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa đối với hàng hóa nhập khẩu. Ðẩy mạnh kiểm tra chất lượng SPHH lưu thông trên thị trường, hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm trong quá trình sản xuất, trong đó chú trọng kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và tổng kiểm tra theo các chuyên đề hàng hóa. Tuyên truyền cảnh báo về các hàng hóa có chất lượng vi phạm quy chuẩn, độc hại, để người tiêu dùng cảnh giác, tẩy chay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()