Từ lâu, Bạc Liêu khá nổi tiếng miền Tây Nam Bộ về nghề làm muối, nuôi tôm, đánh bắt hải sản ngoài khơi, trồng lúa... Tuy nhiên, nhiều năm qua, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa cao, số đông nông dân vẫn còn nghèo khó. Tình trạng "trồng rồi chặt", hoặc nông sản được mùa rớt giá diễn ra thường xuyên. Nhận rõ yếu kém, bất cập này, gần đây Bạc Liêu chú trọng vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhiều tổ hợp tác ra đời, đem lại hiệu quả cao, mở ra hướng sản xuất mới... Nông dân tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình canh tác lúa chất lượng cao. NHIỀU MÔ HÌNH SẢN XUẤT MỚITheo kỹ sư Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bạc Liêu, một trong những nét mới, sự chuyển biến đáng mừng đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm năm trở lại đây là việc xây dựng "Môi trường xanh cho đồng lúa". Mô hình sản xuất này đã và đang được đông đảo nông dân hưởng ứng tích cực thông qua chương trình quản...
Từ lâu, Bạc Liêu khá nổi tiếng miền Tây Nam Bộ về nghề làm muối, nuôi tôm, đánh bắt hải sản ngoài khơi, trồng lúa… Tuy nhiên, nhiều năm qua, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa cao, số đông nông dân vẫn còn nghèo khó. Tình trạng “trồng rồi chặt”, hoặc nông sản được mùa rớt giá diễn ra thường xuyên. Nhận rõ yếu kém, bất cập này, gần đây Bạc Liêu chú trọng vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhiều tổ hợp tác ra đời, đem lại hiệu quả cao, mở ra hướng sản xuất mới…
Nông dân tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình canh tác lúa chất lượng cao.
NHIỀU MÔ HÌNH SẢN XUẤT MỚI
Theo kỹ sư Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bạc Liêu, một trong những nét mới, sự chuyển biến đáng mừng đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm năm trở lại đây là việc xây dựng “Môi trường xanh cho đồng lúa”. Mô hình sản xuất này đã và đang được đông đảo nông dân hưởng ứng tích cực thông qua chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên lúa. Kết quả đã có hàng trăm mô hình sản xuất lúa trình diễn theo quy trình IPM, “ba giảm – ba tăng”, “một phải – năm giảm”; mô hình quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa; mô hình quản lý dinh dưỡng, sản xuất lúa sử dụng 100% phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh; mô hình ghi chép sổ tay theo tiêu chuẩn GAP… đã được triển khai cho cả hai vùng chuyên lúa và lúa – tôm của tỉnh. Đặc biệt, gần đây nhất là thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn hơn 600 ha ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) và xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), kèm theo đó là ứng dụng tổng hợp quy trình canh tác tiên tiến để xây dựng một nền nông nghiệp sạch, năng suất, chất lượng cao…
Sau năm năm, các ngành chức năng và nông dân liên kết thực hiện các mô hình sản xuất nêu trên, hầu hết các giải pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp hai lần hoặc nhiều lần so với biện pháp canh tác truyền thống. Điển hình như năm 2009, lúa Một bụi đỏ ở huyện Hồng Dân đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Không chỉ dừng lại ở chất lượng ngon, bổ, đặc thù, lúa Một bụi đỏ còn được sản xuất thành công bởi quy trình GAP. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT Bạc Liêu, một trong những thành tựu lớn nhất từ giải pháp cho môi trường xanh của ngành nông nghiệp tỉnh là hơn 21.000 ha sản xuất lúa Một bụi đỏ Hồng Dân không sử dụng thuốc BVTV, thay vào đó hoàn toàn bằng thuốc vi sinh. UBND tỉnh đã chỉ đạo đưa 21.000 ha lúa Một bụi đỏ ở Hồng Dân vào mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” để tạo nguồn nguyên liệu lúa chất lượng cao tập trung, làm cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho thương hiệu lúa của Bạc Liêu…
Chúng tôi đã nhiều lần đến thăm những cánh đồng lúa chất lượng cao ở các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi và Phước Long vào thời điểm sắp vào mùa thu hoạch. Có đến tận nơi, ngắm nhìn những cánh đồng lúa rộng mênh mông, những bông lúa vàng óng, trĩu bông, và gặp gỡ, trò chuyện với người nông dân, mới cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn, niềm vui trước vụ mùa bội thu của bà con. Có thể khẳng định, hiệu quả gặt hái được từ việc liên kết giữa chính quyền, các ngành chức năng và các hộ nông dân trong tỉnh thời gian qua. Đó là việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tạo môi trường xanh và bền vững. Thông qua đó, Bạc Liêu đã xây dựng được nhiều cánh đồng vàng, bội thu. Tỉnh đã xây dựng được nhiều cánh đồng cho năng suất đạt hơn tám tấn lúa/ha, chất lượng gạo ngon, sạch. Trong đó, phải kể đến hai loại gạo đặc sản nổi tiếng mà người tiêu dùng cả nước biết đến là gạo Một bụi đỏ Hồng Dân (huyện Hồng Dân) và gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi (huyện Vĩnh Lợi)… Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Võ Văn Út cho chúng tôi biết: Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt chú trọng xây dựng sản xuất lúa mang thương hiệu Một bụi đỏ Hồng Dân. Huyện đã liên kết, phối hợp chặt chẽ với Khoa Nông nghiệp thuộc Trường đại học Cần Thơ trong việc sản xuất lúa Một bụi đỏ; đồng thời chủ động và tích cực hơn nữa quảng bá thương hiệu tại nhiều nơi trong cả nước…
Một tin vui đối với sản xuất lúa ở Bạc Liêu là, mấy năm qua, mặc dù diện tích canh tác lúa của tỉnh không tăng, thậm chí giảm do nuôi trồng thủy sản và xây dựng các khu công nghiệp…, nhưng sản lượng lúa của tỉnh hằng năm vẫn tăng đáng kể. Năm 2007, tỉnh đạt hơn 405.000 tấn lúa, năm 2010 tăng lên 810.000 tấn. Dự kiến năm 2011 này, năng suất lúa của tỉnh đạt hơn 900.000 tấn, tăng 10% so với năm 2010, là năm có sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng này không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh, mà còn có hơn một nửa lượng lúa hàng hóa dùng để xuất khẩu. Kỹ sư Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Bạc Liêu khẳng định với chúng tôi: “Hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh hiện nay là lúa chất lượng cao. Để có được sự tăng lên liên tục về sản lượng là nhờ các cấp chính quyền, đặc biệt là hộ nông dân, trong đó có nhiều nông dân đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm kiếm và nhân các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao; đồng thời chủ động mở rộng canh tác lúa theo các mô hình sản xuất mới…”.
Ngoài hiệu quả việc liên kết trong sản xuất, canh tác lúa nêu trên, thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở Bạc Liêu còn thực hiện liên kết theo mô hình thành lập tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ sản xuất… Việc liên kết, xây dựng THT này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, điều quan trọng nữa là còn gắn kết chặt chẽ mối quan hệ tình cảm, tình người, việc “nhường cơm sẻ áo”, “tối lửa tắt đèn có nhau” của các hộ nông dân trong xóm, ấp… Hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng ở Bạc Liêu đã thành lập được 120 THT trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT Bạc Liêu tiếp tục liên kết với Hội Nông dân, các ngành chức năng và chính quyền các cấp, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ vốn, con giống, kỹ thuật, kinh nghiệm cho nông dân, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào Khmer ở các xã vùng sâu, vùng xa…
KHẮC PHỤC YẾU KÉM, BẤT CẬP
Bên cạnh hiệu quả đáng mừng nêu trên, phải thừa nhận việc liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp ở Bạc Liêu thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập cần sớm chấn chỉnh, khắc phục. Đó là việc liên kết, hợp tác giữa các cấp, các ngành và hộ nông dân chưa được chặt chẽ, đồng bộ. Một vấn đề quan trọng mà nhiều nông dân trong tỉnh còn “kêu” và phiền trách, đó là các ngân hàng thương mại, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp còn chưa “mặn mà” cho nông dân vay vốn. Đáng lưu ý, ngân hàng chỉ cho vay bình quân “cào bằng” mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp của mỗi hộ dân, mà chưa quan tâm, chú trọng đầu tư từng dự án đối với các hộ nông dân. Các HTX, THT sản xuất trồng lúa, nuôi tôm… chưa được ngân hàng xem xét, đầu tư vốn thỏa đáng, hợp lý trong sản xuất, cho nên còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Ngành nông nghiệp Bạc Liêu có khá nhiều “Trung tâm”, như Trung tâm sản xuất giống lúa, Trung tâm giống thủy hải sản, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư… nhưng hoạt động còn “mờ nhạt”, kém hiệu quả, nặng về lý thuyết, yếu kém về thực tế. Vì vậy, chưa gắn kết và tạo niềm tin đối với nhiều nông dân… Đó là những vấn đề mà chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh cần sớm có biện pháp khắc phục.
Có thể khẳng định, việc liên kết, phối hợp trong sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện nay là vấn đề quan trọng và bức thiết. Thực tế ở Bạc Liêu trong thời gian qua, việc liên kết, hợp tác ở nhiều địa phương, cơ sở đã đem lại hiệu quả cao và bền vững, góp phần giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình…
Theo Nhandan
Ý kiến ()