Nâng cao hiệu quả kinh doanh
LSO-Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sau Nghị định số 66/2008/NĐ-CP đã trở thành một “chỉ tiêu” mang tính pháp lệnh của Chính phủ. Qua đó, rất nhiều bộ, ngành, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Lạng Sơn là một trong những tỉnh đi đầu có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể đến từng năm.
Cán bộ Cục Thuế cấp phát tài liệu Luật Quản lý thuế cho doanh nghiệp |
TẠO “RAY” CHUẨN
Do đặc thù tỉnh miền núi biên giới, các doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn cơ bản là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Hiện toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp thì chiếm tới 90% là doanh nghiệp nhỏ kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ, xuất nhập khẩu, sản xuất nhỏ. Có những doanh nghiệp chỉ có ba người. Chính vì vậy, hiệu quả kinh doanh chưa cao, các doanh nghiệp chưa đầu tư mạnh. Đặc biệt là trang bị kiến thức về mặt pháp lý doanh nghiệp- một yếu tố cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Mặc dù nhỏ nhưng các doanh nghiệp ở Lạng Sơn mỗi năm đã tạo ra gần 30 nghìn việc làm, đóng góp ngân sách trên 400 tỷ đồng. Theo ông Nông Ngọc Đàm, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn cho biết: do nhiều doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện đầu tư, nghiên cứu tìm hiểu pháp luật nên dễ xảy ra vi phạm, thậm chí có những vi phạm nằm trong khung điều chỉnh của Luật Hình sự. Thực tế đã chứng minh, có doanh nghiệp vi phạm đến mức phải khởi tố vụ án hình sự. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát triển bằng đúng sự năng động, ngành nghề kinh doanh của mình, một trong những điều kiện quan trọng là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từ hỗ trợ pháp lý sẽ tạo ray chuẩn để doanh nghiệp kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp, không sai phạm và đấy chính là chìa khóa để bảo vệ doanh nghiệp. Nói cách khác đấy chính là doanh nghiệp được bảo vệ từ luật pháp.
NỖ LỰC ĐỒNG HÀNH
Sau Nghị định 66, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa việc trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp bằng Quyết định 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 về điều chỉnh, thực hiện dự án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trước đó, tỉnh Lạng Sơn đã có Quyết định 710/QĐ-UB ngày 26/6/2012 về chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Và từ đó đến nay, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp ở Lạng Sơn dưới nhiều hình thức đã được các doanh nghiệp chủ động tiếp nhận tạo ra một môi trường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất năng động trong các doanh nghiệp.
Ông Vũ Phong Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng, huyện Cao Lộc khẳng định: việc hỗ trợ pháp lý từ chính sách thuế, kiểm tra, kiểm soát đã mang lại cho doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về những gì mình được làm, những gì không được làm. Từ đó đầu tư có hiệu quả hơn. Qua tìm hiểu, trợ giúp có những việc doanh nghiệp đề xuất trên khuôn khổ quy định được các cơ quan đồng tình ủng hộ. Vì vậy đã rút ngắn thời gian giải quyết việc đi lại, chi phí. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Lạng Sơn chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, chính sách thuế, chính sách xuất nhập khẩu.
Để tạo hành lang hỗ trợ từ khi thực hiện Quyết định 710, lãnh đạo tỉnh, các ngành đã tổ chức 12 cuộc đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp. Sau gặp mặt, những thắc mắc của doanh nghiệp về chính sách, pháp luật đều được tổng hợp trả lời thỏa đáng. Đặc biệt là chính sách thuế theo Luật Quản lý thuế. Trong hơn 2 năm thực hiện hỗ trợ pháp lý, ngành thuế đã đối thoại với trên 12.000 lượt doanh nghiệp, giải đáp trên 1.000 câu hỏi, tư vấn, giải đáp trực tiếp, qua điện thoại gần 3.000 cuộc. Cấp phát trên 10.000 tờ rơi, văn bản về chính sách cho doanh nghiệp. Qua đó các sai phạm về chế độ chính sách, về thuế ngày càng giảm. Cùng với đó là hỗ trợ chính sách pháp luật về xuất nhập khẩu. Ngành hải quan đã tổ chức 12 cuộc đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp. Qua đó trên 200 ý kiến qua điện thoại, hỗ trợ về thông quan điện tử, hỗ trợ về chính sách đã được giải đáp. Đặc biệt hỗ trợ pháp lý đã được thống nhất thực hiện đến từng chi cục, tổ đội. Ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh khẳng định: “Khi được hỗ trợ, tư vấn pháp lý, các doanh nghiệp chấp hành luật tốt hơn, từ đó giảm vi phạm, giảm thời gian thông quan, ít ảnh hưởng tới sau thông quan. Và đây cũng là một hình thức thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn”.
Doanh nghiệp đối thoại về Luật Thuế tại Cục Thuế Lạng Sơn |
HIỆU ỨNG VÀ HIỆU QUẢ
Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã thu hút trên 5.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn (Năm 2014 gần 2.000 doanh nghiệp thông quan tại Lạng Sơn). Số doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại địa phương ngày càng lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi năm trung bình đạt gần 3 tỷ USD, tăng 20%/năm. Các doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển, kinh doanh đúng pháp luật. Năm 2014 đến nay, chưa ghi nhận doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp vi phạm đến mức phải xử lý hình sự. Đấy cũng là một phần hiệu quả của tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp đến với Lạng Sơn.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()