Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách ở khu vực Tây Bắc
Ngày 21-9, tại TP Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện tín dụng chính sách các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc (2011-2015).
Tới dự, có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo 12 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Trong 5 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách các tỉnh miền núi khu vực Tây Bắc. Từ năm 2011 đến nay, đã có hơn 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến ngày 31-8-2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 32.194 tỷ đồng, hiện có hơn 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 318 nghìn hộ vượt nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, hơn 121 nghìn học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, là điểm sáng trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác, không chỉ góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội mà còn giúp ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí lưu ý, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội cần nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách tín dụng còn bất cập để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với thực tế (đặc biệt là các chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số); tăng cường cho vay các chương trình về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay hộ nghèo, cho vay theo dự án, tăng cường liên kết thông qua mô hình trang trại, nông trại, hợp tác xã, nhóm hộ gia đình để có tác dụng lan tỏa về kinh tế, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương. Cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm toán, chấp hành đúng các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, thoát nghèo, giảm tệ nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()