Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở
– Hoạt động thông tin cơ sở có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… đến với người dân. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã triển khai đầu tư nâng cấp từ cơ sở vật chất đến con người thực hiện.
Cán bộ văn hoá xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn sản xuất chuơng trình truyền thanh trên hệ thống Đài truyền thanh IP
Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 137/200 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở đang hoạt động. Trong đó, 130 xã là đài truyền thanh không dây phát sóng FM, 1 xã có truyền thanh có dây và 6 xã có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số. Toàn tỉnh có 96 xã được đầu tư trang bị máy vi tính phục vụ cho việc biên tập, sản xuất, phát sóng các chương trình truyền thanh của xã; 75 xã có trang thông tin điện tử.
Tuy nhiên, hoạt động thông tin cơ sở còn nhiều hạn chế như chưa có cơ chế để triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đồng bộ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền còn hạn chế, cán bộ phụ trách thông tin cơ sở chưa thành thạo công nghệ thông tin; tốc độ tuyên truyền thông tin đến người dân chưa kịp thời; một số cán bộ, công chức chưa nhận thức được tầm quan trọng của thông tin cơ sở, do đó chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, ngày 9/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”. Mục tiêu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử cấp xã, cán bộ làm công tác thông tin cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ… Trong đó, mục tiêu năm 2022 là xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để quản lý tập trung và cung cấp thông tin cho đài truyền thanh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; 90% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh.
Bà Trình Thị Nga, Trưởng Phòng Hạ tầng số, Sở TT&TT cho biết: Triển khai đề án năm 2021, Sở TT&TT đã phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát các khu vực trên địa bàn tỉnh để đầu tư, nâng cấp hệ thống. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh với chức năng cung cấp thông tin từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Dự kiến cuối năm 2022, hệ thống này sẽ hoàn thành. Khi đi vào hoạt động hệ thống này sẽ giúp, cán bộ thông tin cơ sở có thể dễ dàng tiếp nhận tài liệu, thông tin từ cấp trên để phát trên đài truyền thanh, dễ dàng quản lý, theo dõi, giám sát trạng thái hoạt động của các cụm loa, bảng thông tin…
Từ năm 2021 đến nay, Sở TT&TT đã đẩy mạnh xây dựng trang thông tin điện tử cho các xã, thị trấn. Qua đó, sở đã hoàn thành việc xây dựng và bàn giao 125 trang thông tin cho các xã, thị trấn. Như vậy đến nay, 100% xã, thị trấn đã có trang thông tin cơ sở phục vụ đăng tải các thông tin về địa phương, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Công tác bồi dưỡng cán thông tin cơ sở cũng được sở quan tâm triển khai. Hằng năm, Sở TT&TT đều tổ chức tập huấn tại văn phòng sở và phối hợp với các huyện hướng dẫn cán bộ phụ trách thông tin cơ sở theo hình thức “cầm tay chỉ việc” với các nội dung như: vận hành hệ thống đài truyền thanh cơ sở; kỹ năng viết tin, bài; sử dụng phần mềm chuyển chữ viết thành giọng nói… từ năm 2021 đến nay, sở đã tổ chức tập huấn cho trên 200 lượt cán bộ phụ trách, ban biên tập đài truyền thanh cấp xã.
Với phương châm tận dụng tối đa trang thiết bị hiện có, Sở TT&TT chủ trương không đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền dẫn phát sóng của cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện mà duy trì cho đến khi xuống cấp hoặc hết khấu hao. Khi hệ thống này không còn sử dụng được sẽ tiến hành thay thế bằng đài truyền thanh IP hiện đại. Khác với đài truyền thanh sử dụng sóng FM hiện nay, đài truyền thanh IP sử dụng sóng viễn thông có thiết bị thu, phát sóng 3G, 4G. Thiết bị nhỏ gọn giúp người sử dụng có thể quản lý, vận hành, giám sát, điều khiển thiết bị mọi lúc, mọi nơi thông qua máy vi tính hoặc điện thoại thông mình. Từ năm 2021 đến nay, Sở TT&TT đã khảo sát, đầu tư đài truyền thanh IP tại 40 xã trên địa bàn tỉnh với kinh phí trên 1 tỷ đồng, nâng tổng số xã, thị trấn có đài truyền thanh lên 170/200, đạt 85%.
Ông Hoàng Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Hiện xã đang sử dụng hệ thống đài truyền thanh không dây với 24 cụm loa. Ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động của đài truyền thanh xã chúng tôi đã đầu tư 1 hệ thống máy vi tính có kết nối internet để sản xuất, truyền dẫn các chương trình phát thanh và phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn. Nhờ đó, xã luôn duy trì thời lượng phát sóng của đài truyền thanh là 330 phút/ngày (cao nhất tỉnh), trong đó, 30 phút là thời lượng nội dung của xã.
Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác thông tin cơ sở, đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm đầu tư đài truyền thanh IP cho các xã, thị trấn; xây dựng quy chế quản lý, vận hành đối với hệ thống thông tin cơ sở… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnhn
Ý kiến ()