Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương
* An Giang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, hoạt động khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên cơ sở bám sát các định hướng phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, các bộ đã chủ động triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc các chương trình khoa học và công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp, như các chương trình: Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; biến đổi khí hậu; khắc phục hậu quả ảnh hưởng lâu dài của chất da cam/đi-ô-xin; chương trình nghiên cứu về vũ trụ…
Công tác quản lý hoạt động khoa học địa phương cũng được đẩy mạnh. Hệ thống, bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở địa phương cũng như hoạt động sự nghiệp, dịch vụ khoa học và công nghệ tiếp tục được củng cố và phát triển. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ cấp tỉnh đến quận, huyện được tăng cường, hiệu lực quản lý được cải thiện ngày một tốt hơn. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển gắn bó thiết thực hơn với thực tiễn sản xuất và đời sống ở từng địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi đã phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển sản phẩm có thế mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, phát triển cây trồng đặc sản của địa phương. Chương trình cũng đã giúp các địa phương ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu lao động khu vực nông thôn, miền núi. Việc ứng dụng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, lựa chọn các công nghệ chế biến phù hợp vào sản xuất đã góp phần tích cực tăng năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Từ chương trình, đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác đạt giá trị 80 đến 100 triệu đồng/ha nhờ ứng dụng thành công các công nghệ mới trong nông nghiệp.
* Tỉnh An Giang vừa quyết định đầu tư 300 tỷ đồng, từ năm 2013 đến 2015, nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành và phát triển các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng trên các lĩnh vực sản xuất cây lúa, cây màu, chăn nuôi, kết hợp xây dựng hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tăng cường mối liên kết sản xuất giữa nông dân với các cơ sở chế biến, xuất khẩu, tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm.
Tỉnh ưu tiên đầu tư kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ để tổ chức thực hiện các nghiên cứu và lựa chọn một số công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, tập trung các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút nguồn vốn vay, vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ và nông dân tham gia đầu tư, cùng với thu hút nguồn vốn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia thông qua các dự án cụ thể.
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh An Giang sẽ thực hiện các bước cụ thể như hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích là 3.000 ha. Trong đó, tập trung sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, truy nguyên nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường tiêu thụ.
Nhandan
Ý kiến ()