Nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải
Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 tổ chức ngày 3/7, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước tại Bộ GTVT tiếp tục được tăng cường. Bộ GTVT luôn coi đây là khâu then chốt, là bước đột phá để các doanh nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (HHVN); Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy… tiếp tục được Bộ GTVT đẩy mạnh. Tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT k hông thực hiện việc chuyển 03 đơn vị phụ thuộc thành Công ty TNHH một thành viên độc lập để cổ phần hóa mà giữ nguyên là đơn vị phụ thuộc khi cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty HHVN. Riêng Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông đề xuất là doanh nghiệp 100% vốn của Công ty mẹ – Tổng công ty HHVN , sau khi xử lý tài chính sẽ thực hiện cổ phần hóa (CPH) trong năm 2015; đã hoàn thành CPH Cảng Quy Nhơn, Cảng Khuyến Lương, cơ bản hoàn thành CPH các cảng biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang; Vinalines Nha Trang; đang tiếp tục hoàn thiện CPH các cảng: Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ…
Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã làm việc với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh thực hiện rút vốn thương hiệu Vinashin tại các Công ty cổ phần có vốn góp của Vinashin trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh… Đến nay đã hoàn thành rút vốn thương hiệu tại 44 doanh nghiệp, giảm đầu mối 68 doanh nghiệp; xây dựng phương án tái cơ cấu 08 doanh nghiệp giữ lại trong mô hình Tổng công ty; thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty, ủy quyền cho Tổng công ty thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa 09 đơn vị thành viên (07 công ty con trong mô hình Tổng công ty và 02 công ty thuộc nhóm không giữ lại).
Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2014, Bộ GTVT đã tập trung thực hiện đổi mới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và sau 6 tháng quyết liệt thực hiện, Tổng công ty đã có chuyển biến khá tích cực và đạt được một số nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, nổi bật là việc sắp xếp lại các doanh nghiệp khối vận tải phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo ổn định, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ và kế hoạch chạy tàu phục vụ nhu cầu của xã hội; cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty In Đường sắt và Công ty In Đường sắt Sài Gòn; xây dựng xong phương án thoái vốn tại 13 doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty; xây dựng phương án sắp xếp lại khối các cơ quan tham mưu.
Đã hoàn thành cổ phần hóa 10 Công ty mẹ – Tổng công ty Tổng công ty xây dựng công trình (XDCT) giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Tư vấn thiết kế GTVT, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Vận tải thủy thuộc Bộ GTVT theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Các Tổng công ty đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, thành lập công ty cổ phần; hoàn thành thực hiện đăng ký doanh nghiệp và chuyển sang hoạt động là công ty cổ phần trong tháng 6/2014.
Đối với các doanh nghiệp còn lại thuộc Bộ, công tác cổ phần hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã thành lập 25 Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, g ồm: 03 Công ty mẹ – Tổng công ty: Cảng Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy; 11 công ty (07 công ty thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam; 02 công ty thuộc Tổng công ty Cửu Long; 02 công ty thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trường Đại học Công nghệ GTVT); Bệnh viện GTVT trung ương và 10 Đoạn quản lý đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực triển khai thực hiện các bước cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định.
Công ty mẹ – các Tổng công ty: Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã tập trung triển khai xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa để sớm trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt. Đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam: Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đã thẩm định phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty và hoàn thiện trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhìn chung, sau khi sắp xếp, cổ phần hóa phần lớn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ đã đổi mới phương thức quản lý. Đa số cán bộ, công nhân viên gắn bó hơn với doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện tinh giảm bộ máy gián tiếp, các công việc lớn của doanh nghiệp như: đầu tư, phân phối lợi nhuận đều được thảo luận dân chủ trong đại hội cổ đông, đã tạo ra khí thế làm việc mới, có năng suất, hiệu quả hơn so với trước khi sắp xếp, cổ phần hoá.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()