Nâng cao hiệu quả hoạt động các đài truyền thanh cơ sở
- Nhờ sự chủ động, tích cực vào cuộc của Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) và UBND các huyện, thành phố, đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã có đài truyền thanh, nhiều cơ sở được nâng cấp trang thiết bị, đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động.
Cán bộ xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc biên tập bản tin truyền thanh của xã
Hệ thống đài truyền thanh cơ sở là hệ thống hạ tầng truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Là hệ thống truyền tải thông tin gần gũi nhất ở cơ sở, cung cấp đầy đủ, kịp thời kiến thức cần thiết cho đời sống, lao động, sản xuất của người dân. Bà Phương Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở TTTT cho biết: Từ năm 2021, Sở TTTT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 1575/QĐ-UBND ngày 9/8/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2023, Sở TTTT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố đầu tư mới và nâng cấp các đài truyền thanh cơ sở lên đài truyền thanh IP. Hệ thống này có thể tiếp, phát sóng từ cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện về với đài xã, mở rộng nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở.
Theo đó, Sở TTTT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát tất cả các đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Với những xã chưa có đài truyền thanh sở sẽ đầu tư hệ thống đài truyền thanh IP. Với những đài đang sử dụng công nghệ cũ, UBND các huyện, thành phố sử dụng ngân sách từ các nguồn như chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới để nâng cấp. Theo đó, các đài truyền thanh cơ sở được đầu tư nâng câp lên đài truyền thanh IP với các thiết bị gồm: hệ thống máy vi tính, các cụm thu phát sóng, loa… Hệ thống được kết nối từ trung tâm xã đến các thôn bản, khối phố, điều khiển hoàn toàn trên máy vi tính, điện thoại thông minh, cho phép truyền dẫn và nhận bản tin phát thanh qua mạng Internet, sóng 3G/4G, đồng thời có thể lưu trữ và quản lý các nội dung đã phát. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cũng phân công 1 lãnh đạo UBND huyện phụ trách mảng thông tin cơ sở; phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố bố trí 1 lãnh đạo phòng, 1 công chức theo dõi hoạt động thông tin và hệ thống truyền thanh trên địa bàn. Tại cấp xã, UBND thành lập ban biên tập, ban hành quy chế hoạt động của đài truyền thanh cấp xã và phân công 1 công chức văn hóa - xã hội phụ trách vận hành. Cùng đó, Sở TTTT cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn đảm bảo 100% công chức phụ trách đài truyền thanh cơ sở trong tỉnh đều có khả năng xây dựng các chương trình truyền thanh, thành thạo trong vận hành và quản lý trang thiết bị.
Anh Chu Văn Hính, công chức văn hóa xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình cho biết: Vừa qua, xã được đầu tư hệ thống đài truyền thanh IP với 1 máy vi tính và 18 cụm thu phát. Mỗi tháng chúng tôi xây dựng 3 bản tin tuyên truyền về công tác địa phương, văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản tuyên truyền của cấp trên. Cùng đó, hằng ngày đều tiếp sóng các chương trình truyền thanh của huyện, chương trình phát thanh của tỉnh và Đài tiếng nói Viêt Nam để phát sóng trong các khung giờ từ 5 giờ 30 phút đến 7 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ. Với hệ thống truyền thanh IP, tôi có thể chuyển từ văn bản sang ngôn ngữ nói một cách dễ dàng mà không phải đọc trực tiếp như trước. Nhờ đó, các bản tin được sản xuất đảm bảo tiến độ, các chương trình của đài cũng kịp thời truyền tải những thông tin đến với người dân.
Nhờ sự chủ động và tích cực vào cuộc của Sở TTTT và UBND các huyện, thành phố trong năm 2023 toàn tỉnh có 112 đài truyền thanh cấp xã được đầu tư mới và nâng cấp. Như vậy, đến nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đài truyền thanh cơ sở, trong đó đã có 159 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông IP. Hằng ngày, các đài đều tiến hành phát sóng chương trình do xã tự sản xuất hoặc tiếp sóng từ đài huyện, đài tỉnh và đài quốc gia. Với những ưu thế như loa truyền thanh được đặt gần khu dân cư, khu vực sản xuất nên người dân có thể vừa làm việc vừa theo dõi thông tin. Vào thời điểm như mùa mưa lũ, dịch bệnh, khám tuyển nghĩa vụ quân sự… thì hệ thống truyền thanh cơ sở càng phát huy tốt tác dụng đưa thông tin nhanh nhất đến với người dân.
Thời gian tới, Sở TTTT sẽ tiếp tục phối hợp đầu tư, nâng cấp các đài truyền thanh sử dụng công nghệ cũ, nâng cao năng lực của công chức quản lý điều hành nhằm tối ưu hóa công năng của các đài truyền thanh cơ sở.
Ý kiến ()