Nâng cao hiệu quả hoà giải các vụ việc dân sự
LSO-Thực hiện “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp, thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác hoà giải đối với các vụ việc dân sự.
Tòa án Nhân dân huyện Văn Quan tiến hành hòa giải tại tòa
Tháng 10/2020, ông Đ.M.X (khu Hòa Bình II, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) và bà T.T.H (thôn Mỏ Ba, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng) tranh chấp với nhau 3.000 m2 đất trồng cây lâu năm. Hai gia đình mâu thuẫn, không giải quyết được nên đã gửi đơn khởi kiện lên TAND huyện. Sau khi Thẩm phán tiến hành hòa giải, các đương sự đã thống nhất thỏa thuận giải quyết đang tranh chấp bằng hình thức tự hòa giải với nhau. Theo đó, bà T.T.H chấp nhận trả một khoản tiền cho ông Đ.M.X để được quyền sử dụng toàn bộ các thửa đất tranh chấp. Ông Đ.M.X tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. TAND huyện Chi Lăng đã ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án.
Qua đó cho thấy hòa giải là một trong các phương thức, lựa chọn tốt nhất, hài hoà nhất trong giải quyết các vụ việc dân sự. Chính vì thế, những năm qua, TAND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác hòa giải. Ông Nguyễn Thế Lệ, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Xác định hòa giải là trách nhiệm chung của cộng đồng, lãnh đạo TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND hai cấp trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện hòa giải, giúp các bên hiểu về các quy định của pháp luật và có thêm thiện chí giải quyết vụ án thông qua hoà giải. Đồng thời, tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải; phối hợp với những người có uy tín, nắm bắt thông tin phục vụ công tác hòa giải tại tòa án.
Theo đó, TAND hai cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký; tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải giữa các thẩm phán thông qua các tình huống giả định hoặc vụ án thực tế. Năm 2020, TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức tập huấn công tác hòa giải cho hơn 310 thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký TAND hai cấp trong tỉnh.
Đặc biệt, từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2020, TAND tỉnh đã tổ chức nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về: “Nâng cao chất lượng công tác hòa giải đối với các tranh chấp dân sự trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Đến nay, TAND tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá nghiệm thu, thủ tục đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học để đưa sản phẩm ra ứng dụng.
Cùng với đó, TAND hai cấp trong tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác hòa giải, tạo không khí thân thiện, thoải mái khi các bên đến tham gia hòa giải.
Ông Dương Xuân Tĩnh, Chánh án TAND thành phố Lạng Sơn cho biết: TAND thành phố đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, người có uy tín, để nắm rõ bản chất sự việc, bản sắc văn hoá, phong tục tập quán cũng như tâm tư, nguyện vọng của đương sự để đưa ra phương án hoà giải phù hợp. Do đó, nhiều vụ án phức tạp đã được hòa giải thành. Kết quả năm 2020, TAND thành phố đã hòa giải thành 308/429 vụ án dân sự, đạt tỷ lệ 72%, tăng 0,2% so với năm 2019.
Với những nỗ lực đó, năm 2020, TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý 2.111 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại; đã giải quyết 2.087 vụ việc, đạt 98,8%, trong đó có 1.436 vụ, việc giải quyết thành công bằng hình thức hòa giải, đạt 68,8% (vượt 8,8% chỉ tiêu TAND tối cao, vượt 3,8% chỉ tiêu TAND tỉnh đề ra).
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()