Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp và nông thôn ở Hà Nội
Hà Nội hiện có 18 huyện với 401 xã, chiếm tới 88% tổng diện tích đất, 63% tổng dân số và hằng năm chiếm khoảng một phần ba tổng đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước (NSNN) của Thủ đô. Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, vẫn còn một số vướng mắc cần được nhận diện để nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp và nông thôn (NNNT) ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.Hằng năm, TP Hà Nội đã chủ động và ngày càng tăng tổng mức đầu tư công và tỷ lệ đầu tư trong tổng chi NSNN cho NNNT; thậm chí vượt cả chỉ tiêu mà Thành ủy đặt ra về tỷ lệ chi cho NNNT trong cơ cấu chi NSNN thành phố. Đầu tư công cho NNNT trên địa bàn được ưu tiên cho các dự án trọng điểm thuộc hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như: sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển nuôi trồng thủy sản,...
Hằng năm, TP Hà Nội đã chủ động và ngày càng tăng tổng mức đầu tư công và tỷ lệ đầu tư trong tổng chi NSNN cho NNNT; thậm chí vượt cả chỉ tiêu mà Thành ủy đặt ra về tỷ lệ chi cho NNNT trong cơ cấu chi NSNN thành phố. Đầu tư công cho NNNT trên địa bàn được ưu tiên cho các dự án trọng điểm thuộc hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội như: sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, xóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp… Bên cạnh đó, thành phố đã quan tâm, dành ngân sách để đầu tư nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện các biện pháp thủy lợi và đối phó với biến đổi khí hậu. Toàn thành phố có 100% mặt đê của 18 tuyến đê chính với tổng chiều dài 464,745 km đã được đầu tư kiên cố hóa bảo đảm phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão, kết hợp giao thông nông thôn…
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư đã được đẩy mạnh. UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 20-8-2010 về việc ban hành quy định về quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố và thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng quản lý đầu tư, phát huy tính chủ động của các cấp, từng bước đưa quản lý đầu tư xây dựng vào nền nếp, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, đầu tư công cho NNNT trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số hạn chế, nổi bật là: Chưa rõ nét việc đầu tư công cho NNNT theo quy hoạch, gây hạn chế trong việc triển khai và hiệu quả các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn, trọng điểm trong công tác xây dựng, phát triển NNNT.
Cơ cấu nguồn đầu tư công chưa đa dạng: hơn 80% tổng đầu tư công cho NNNT trên địa bàn là nguồn vốn NSNN địa phương; chưa khai thác các nguồn vốn công khác, như đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước, các nguồn tín dụng ưu đãi nhà nước, các quỹ tài chính và các nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng khác; cũng như, chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp và phục vụ nông dân…
Hơn nữa, đầu tư công cho NNNT còn quá chú trọng vào các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến, một mặt, tổng nhu cầu lớn không đủ nguồn lực đáp ứng; mặt khác, một số lĩnh vực và địa phương khác dường như bị “bỏ rơi”, nhất là hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng, nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, xử lý rác thải, cấp nước sinh hoạt, cấp nước sạch cho ruộng đồng. Một số dự án đầu tư không đạt hiệu quả như mong muốn. Việc tổ chức khai thác sau đầu tư chưa có cơ chế rõ ràng, gây thất thoát, lãng phí. Quy mô đầu tư công cho NNNT còn thấp, mới đáp ứng được khoảng 20% vốn đầu tư so với nhu cầu; cơ cấu đầu tư còn chưa cân đối và có trọng tâm phù hợp, còn quá ít (3%) dòng đầu tư công cho sản xuất nông nghiệp (mới chỉ tập trung vào công tác hỗ trợ giá giống, miễn thủy lợi phí…) và cho các HTX nông nghiệp. Đầu tư cho môi trường và giáo dục ở huyện vùng xa, vùng sâu còn chưa công bằng với các địa phương nội thành.
Ngoài ra, nguồn lực cán bộ còn hạn chế; cơ chế, chính sách còn chậm được xem xét, bổ sung, điều chỉnh và tháo gỡ kịp thời, thiếu tính đột phá; khả năng tham mưu, cụ thể hóa chủ trương, chính sách và trách nhiệm quản lý của một số đơn vị còn yếu, thiếu chủ động, tích cực trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tất cả điều đó khiến đầu tư công cho NNNT bị hạn chế về quy mô, hiệu quả, cũng như chưa phát huy hết vai trò động lực chủ đạo, định hướng, thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN cho phát triển NNNT.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư công cho NNNT trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, cả vĩ mô, cũng như vi mô, mà nổi bật là yêu cầu tăng cường hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan đầu tư công nói chung, đầu tư công cho NNNT nói riêng; Đặc biệt, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Đầu tư công, rà soát toàn bộ các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư và ngân sách như: Luật NSNN, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… để điều chỉnh theo hướng tạo chính sách đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo; bảo đảm các nội dung về phân cấp, ủy quyền trong đầu tư xây dựng phải phù hợp khả năng quản lý, cân đối ngân sách của địa phương, ủy quyền phải phù hợp với điều kiện năng lực của các chủ đầu tư.
Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ, thống nhất các chính sách đầu tư, hỗ trợ và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư vào lĩnh vực NNNT theo hướng đủ mạnh, đủ hấp dẫn và phù hợp thực tế địa phương. Trong quá trình xây dựng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hiện trạng, lấy ý kiến phản biện xã hội một cách rộng rãi nhằm nâng cao tính khả thi.
Các bộ, ngành cần có những hướng dẫn chi tiết về công tác xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng không quy định cứng các chỉ tiêu, mà cho phép các địa phương nghiên cứu thực hiện các tiêu chí phù hợp điều kiện của từng địa phương mình, để tăng tính linh hoạt, tích cực, chủ động của các địa phương trong đầu tư. Đồng thời, thay đổi phương pháp xây dựng, cách thức tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng điều chỉnh và xác định rõ các mục tiêu, đối tượng, tiêu chí và cách thức xác định đối tượng hưởng lợi, các hoạt động chủ yếu, cách thức quản lý, cơ quan chủ trì và phối hợp thực hiện, cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá, định kỳ đánh giá và cách thức điều chỉnh, khi xét thấy cần thiết; Sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4-6-2010 về chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào NNNT theo hướng tăng mức ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Đồng thời, nâng thời hạn và hạn mức vay cho các hộ nghèo vay vốn để mua giống gia súc, gia cầm hoặc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phù hợp với chu kỳ tái sản xuất, tạo điều kiện tăng khả năng thanh toán nợ và lãi. Chính phủ cũng cần tăng vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề, nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề công lập tại địa phương, đầu tư trọng tâm vào chương trình dạy nghề, nghề phù hợp với yêu cầu của địa phương cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, xã tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương đầu tư phát triển cho NNNT, nâng cao nhận thức của cán bộ, nông dân để cùng với Nhà nước thực hiện tốt các chủ trương này; chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong NNNT; xác định rõ trọng tâm và cơ cấu đầu tư theo hướng khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tăng mức đầu tư công trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, các dự án giải quyết ô nhiễm môi trường, nước sạch nông thôn, gắn liền với chủ trương phát triển NNNT và phù hợp thực tiễn, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của mỗi địa phương.
Đáng chú ý, cần chú ý vai trò của đầu tư công trong định hướng và thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào NNNT trên cơ sở bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển NNNT; nghiên cứu tổng kết, đánh giá vai trò của mô hình HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp để có cơ chế chính sách hỗ trợ thích hợp cho loại hình này. Đồng thời, cần tăng cường thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình, dự án, đặc biệt chú trọng tiến độ và chất lượng của các công trình xây dựng cơ bản; Chỉ đạo thực hiện việc giám sát cộng đồng theo Quyết định 80/2005/QĐ – TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như chất lượng các hạng mục đầu tư tại cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()