Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Thông qua hình thức đối thoại giữa thanh, thiếu niên và đại diện một số đơn vị chức năng, các đơn vị thông tin, truyền thông, công ty công nghệ, không chỉ cung cấp thêm kiến thức về thực trạng cũng như những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mà còn đưa ra được những giải pháp tiếp tục phát huy mạnh mẽ, đồng bộ sức mạnh và sự lan tỏa của không gian mạng vào việc phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn.
Ngày 2/8, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tổ chức Chương trình “Đối thoại cùng lãnh đạo: Học sinh, sinh viên, phụ nữ, thanh niên tích cực dẫn đầu trong công tác truyền thông phòng, chống mua bán người”.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, theo số liệu thống kê đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 78 triệu người dùng internet và số lượng người dùng mạng xã hội là gần 73 triệu người, chiếm 73.3% dân số.
Mạng internet và các thiết bị di động phổ biến, dễ tiếp cận và sử dụng vừa là cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế, nhưng cũng làm tăng nguy cơ khiến họ có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, Internet và không gian mạng xã hội là môi trường phù hợp để truyền đi nhanh chóng và hiệu quả các thông điệp về phòng, chống mua bán người và di cư lao động an toàn tiếp cận với đại đa số người dân.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang tăng cường phát huy những lợi thế của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng ưu tiên triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người tới các đối tượng thanh, thiếu niên; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng làm cha mẹ để tăng cường chăm sóc và bảo vệ trẻ em…
Tại buổi đối thoại, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... đã làm rõ tình hình lao động di cư qua biên giới hiện nay; những thủ đoạn tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; chính sách bảo vệ trẻ em trước nguy cơ cạm bẫy mua bán người…
Theo Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, tội phạm mua bán người tiếp tục triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat…) để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn.
Đối với việc hạn chế lừa đảo trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo đi xuất khẩu lao động, Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng cho biết: Nhu cầu tìm kiếm việc làm trên môi trường mạng nhiều, do đó các đối tượng có thể lợi dụng đưa ra thông tin để lôi kéo người lao động có thể đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhưng mục đích thì không phải như vậy.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, chúng ta phải rà soát, kiểm soát được các thông tin trên môi trường mạng, đặc biệt là trên các ứng dụng mạng xã hội để làm sao các thông tin đúng, trúng. Hiện chúng tôi đã tiến hành rà soát và tiến hành ngăn chặn các kênh thông tin không chính xác.
Dịp này, đông đảo đoàn viên, thanh niên và hội viên phụ nữ cũng đã lắng nghe các sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người; tham gia trò chơi và xem video thông điệp về phòng, chống mua bán người.
Ý kiến ()