Nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng
LSO-Thực hiện Công văn số 2385/VP-KGVX, ngày 31/8/2016 của UBND tỉnh triển khai sự chỉ đạo của Bộ Y tế về quản lý đối tượng tiêm chủng và tăng cường phòng chống các bệnh trong tiêm chủng mở rộng (TCMR), ngành y tế Lạng Sơn đã làm tốt việc quản lý đối tượng tiêm chủng; phòng chống các bệnh trong TCMR.
Cán bộ y tế xã Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn) tiêm chủng cho trẻ em |
Nâng cao nhận thức, quản lý chặt chẽ
Tuy đã ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho con mình, song do mải làm ăn buôn bán và cũng do thời gian giữa 2 lần tiêm kéo dài nên chị Trần Hồng Tiệp ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đã quên đưa con trai 18 tháng tuổi đi tiêm phòng bệnh sởi (mũi thứ 2). Khi xem lại sổ tiêm của con và đọc hướng dẫn lịch tiêm chủng, chị thu xếp thời gian đưa con đi tiêm ngay sau đó.
Trẻ sơ sinh và trẻ từ 1 đến 5 tuổi có sức đề kháng rất yếu trước những tác động của các loại bệnh, nhất là bệnh lây nhiễm. Tiêm chủng mở rộng là biện pháp tốt nhất và duy nhất trong phòng bệnh nguy hiểm ở trẻ. Trong những năm qua, ngành y tế đã phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về TCMR và nâng cao kiến thức cho người dân về tác dụng của việc thực hiện đúng và đủ lịch tiêm cho trẻ em. Thế nhưng do nhiều yếu tố nên vẫn có nhiều gia đình quên đưa con đi tiêm chủng, hoặc tiêm không đúng lịch.
Trước thực trạng đó, ngành y tế đã có cách thức quản lý, theo dõi TCMR, mà giải pháp hữu hiệu nhất là dựa vào lực lượng y tế thôn bản, khối phố. Bác sĩ Nguyễn Thị Bắc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Do trạm đã có danh sách theo dõi tiêm chủng cho trẻ em, nên nắm rất chắc lịch tiêm của từng trẻ. Trong giao ban hằng tháng, trạm nêu tên, địa chỉ cụ thể từng trẻ cho y tế thôn bản; theo đó, y tế thôn bản gọi điện thoại hoặc đến từng gia đình nhắc nhở đi tiêm chủng vào ngày 9 hoặc 10 hằng tháng. Do làm tốt công tác quản lý đối tượng tiêm nên địa bàn không có trường hợp sót, lọt. Đối với những trẻ bị nhỡ lịch do hoàn cảnh gia đình hoặc do tình trạng bệnh lý phải hoãn tiêm, trạm có lịch “tiêm vét” đầy đủ vào thời gian gần nhất. Thống kê của ngành y tế dự phòng (YTDP) cho thấy, nhiều năm nay, dự án TCMR ở Lạng Sơn được thực hiện tốt. Vật tư, hóa chất, vắc – xin được cung cấp đầy đủ đến các trạm y tế xã. Đến hết tháng 8/2016, toàn tỉnh đã có gần 11 ngàn trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vắc – xin, đạt 77% kế hoạch năm. Chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi – rubella cho đối tượng 16 – 17 tuổi năm 2016 đã có 18.678 đối tượng tiêm/19.487 đối tượng điều tra, đạt 96%.
Phòng chống bệnh trong tiêm chủng
Các bệnh trong tiêm chủng thường xuất hiện ở các trẻ không được tiêm, hoặc tiêm không đủ mũi, không đúng lịch và lây ra một số trẻ, hình thành những ổ dịch nhỏ trong dân cư. Gặp thời tiết thuận lợi, các loại bệnh này tấn công trực tiếp hoặc cơ hội trước hết vào các đối tượng đã hết thời gian miễn dịch. Lấy ví dụ một số trẻ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh bị bệnh ho gà, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh giải thích: Do đây là các đối tượng bị bỏ rơi hoặc sống lang thang, không được tiêm đầy đủ các loại vắc – xin phòng bệnh theo độ tuổi nên mắc bệnh là điều dễ hiểu. Khi nhận được thông tin, ngành YTDP lập tức vào cuộc điều trị cho các cháu. Nay bệnh ho gà đã được dập tắt và không lây lan ra ngoài; các cháu cũng đã được tiêm phòng đầy đủ nên có thể yên tâm. Hoặc bệnh quai bị đã xuất hiện trong tháng 5 và tháng 6 với nhiều trẻ ở các huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng mắc. Do đây là bệnh không nằm trong chương trình TCMR nên ngành y tế một mặt tích cực điều trị các ca mắc, mặt khác khuyến cáo người dân nên đưa con em mình đi tiêm vắc – xin phối hợp sởi – quai bị – rubella và các loại vắc – xin khác theo kênh dịch vụ.
Trên thực tế, công tác quản lý đối tượng TCMR, thực hành TCMR tốt bao nhiêu thì công tác phòng chống bệnh trong TCMR đỡ phức tạp bấy nhiêu. Trong nhiều năm, do làm tốt công tác TCMR, tỷ lệ trẻ được bảo vệ cao nên Lạng Sơn đã không để các bệnh trong TCMR bùng phát và lây lan.
Những ngày đầu năm học mới cũng là giai đoạn thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang dịu mát, khô hanh về ban ngày, lạnh về đêm. Thời điểm tựu trường cũng là cơ hội cho các loại bệnh lưu hành rải rác ở khu dân cư lây lan và bùng phát tại trường học. Vấn đề là các cơ sở giáo dục cần làm tốt công tác vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi; giáo viên cần được trang bị các kỹ năng sơ đẳng về phát hiện bệnh và kịp thời cách ly để tránh lan rộng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()